04 LÝ DO HẠN CHẾ TƯ DUY PHẢN BIỆN TRONG CÔNG VIỆC 

Tư duy phản biện trong công việc đang là một kỹ năng “hot” mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm. Các nhà quản lý doanh nghiệp luôn muốn làm việc cùng nhân viên có thể tự đưa ra quyết định hoặc tiếp thu và xử lý thông tin một cách chiến lược. 

Mặc dù tư duy phản biện trong công việc được săn đón như vậy, nhiều cán bộ tuyển dụng tin rằng năng lực này khá khan hiếm trong đội ngũ người lao động hiện nay, Tuy nhiên, người lao động không hẳn thiếu kỹ năng này. Thay vào đó, họ chỉ chưa sử dụng nó thường xuyên. 

Vậy sau đây là một số lý do vì sao kỹ năng tư duy phản biện lại bị lãng quên ở môi trường công sở.

Môi trường làm việc tiêu cực hạn chế tư duy phản biện 

Môi trường làm việc không tốt sẽ bóp nghẹt khả năng suy nghĩ bằng cách làm nhân viên cảm thấy mất động lực. Tại sao nhân viên của bạn lại muốn đưa ra ý tưởng sáng tạo để rồi sẽ bị gạt đi và bắt phải làm theo thủ tục sẵn có? 

Là người lãnh đạo, bạn có thể đã hạn chế cơ hội động não của cấp dưới mà không hề hay biết. Sau đây là một số dấu hiệu rằng bạn đang tạo ra một môi trường làm việc không cởi mở và chèn ép khả năng phát triển kỹ năng này. 

Bạn quá bận 

Khi nhân viên liên tục bị nhắc nhở phải đạt được đúng tiến độ công việc hay doanh thu đề ra mà không có thời gian nghỉ ngơi hay quán chiếu, họ sẽ thường tự tìm đến những con đường dễ dàng nhất để đạt được mục tiêu. Và những cách thức không đòi hỏi phản kháng hay thách thức sẽ ít khi tạo ra đột phá. 

“Mọi người thường sẽ bận kinh khủng. Và chúng tôi thường nghĩ rằng mình không có đủ thời gian để xem xét vấn đề một cách thông suốt.” Đây là chia sẻ của Jen Lawrence, tác giả cuốn sách: “Ngụ ngôn kinh doanh về tư duy phản biện và thúc đẩy đội nhóm.” Tuy nhiên, vội vàng đi đến kết luận sẽ thường dẫn đến những quyết định thiếu thông tin. Từ đó, phí phạm tài nguyên và thời gian, những giải pháp mang tính tạm thời và sai lầm là kết quả của việc không hiểu ngọn ngành vấn đề của doanh nghiệp. 

Bạn chỉ muốn làm theo cách của mình 

Nhiều người trong chúng ta thường thoải mái khi làm việc theo cách mình thường làm. Và ta cũng không muốn thay đổi khi mọi việc đang ổn định. Tuy nhiên, nhiều công ty đang đầu tư nhiều hơn vào quá trình tư duy chiến lược để khuyến khích nhân viên giải quyết và hiểu biết về vấn đề một cách toàn diện. 

“Suy nghĩ một cách chiến lược không phải là một đòi hỏi quá đáng. Đây không phải kỹ năng bắt ép bạn phải vắt não tưởng tượng hay liên quan đến tuổi tác.” Mary Lippitt, tác giả của tờ báo Phát triển Tài Năng đánh giá: “Điều thực sự cản trở góc nhìn chiến lược chính là sự dựa dẫm vào thói quen, cách làm cũ, và kì vọng hạn chế.” 

Những nhân viên không được suy nghĩ sáng tạo hay thách thức hiện trạng của doanh nghiệp sẽ ngừng đề xuất ra phát kiến mới. Điều này sẽ làm doanh nghiệp đình trệ và tạo ra một môi trường làm việc tiêu cực. Qua thời gian, những nhân viên hàng đầu sẽ rời bỏ công ty và đến những nơi đề cao khả năng sáng tạo của họ. 

Bạn luôn nghĩ đến tình huống xấu nhất

Tác giả Matthew Estes cho rằng một vài nhà quản lý có thói quen dự liệu tình huống xấu nhất trong mọi vấn đề. Mỗi lần một nhân viên mới muốn đề xuất một cách thức mới hay tiếp cận một vấn đề theo cách khác, nhà quản lý đó sẽ luôn lo lắng rằng cách thức mới không hiệu quả và bác bỏ đề xuất ngay lập tức. 

Chỉ ra các tình huống xấu nhất không phải là điều gì xấu nếu như nhà quản lý cũng nhìn thấy những tiềm năng tích cực. Điều này giúp doanh nghiệp xác định các mối nguy tiềm tàng, đồng thời đánh giá liệu có đáng để thử cơ hội đó. 

“Việc có một cách tiếp cận được xây dựng thấu đáo để nhìn nhận tiềm năng cũng như mối nguy của các quyết định là rất cần thiết. Thành công không đến từ né tránh các nguy hiểm tiềm tàng. Thành công đến từ khả năng hiểu biết và khả năng đương đầu với rủi ro.”

Khi chủ doanh nghiệp dành thời gian phán đoán tình hình thay vì kết luận vội vàng, họ sẽ đưa ra những kết luận sáng suốt hơn. Điều này cũng sẽ tạo ra một môi trường làm việc tích cực hơn cho những người xung quanh và khuyến khích họ sử dụng tư duy phản biện trong công việc. 

Bạn quá tập trung vào phòng ban của mình

Các nhà quản lý thường gặp mặt để trao đổi về những thay đổi trong công ty và xem xét những ảnh hưởng của chúng đến phòng ban của mình. Họ được triệu tập với tư cách đại diện cho bộ phận của mình và thường không phải kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề. Vậy nên, mặc dù quản lý với chuyên môn giỏi sẽ giúp ích cho doanh nghiệp, điều này cũng sẽ hạn chế sự phát triển nếu ban lãnh đạo doanh nghiệp không nhìn xa hơn chuyên ngành của mình. 

Các chuyên gia nhân sự khuyến khích lãnh đạo doanh nghiệp mở đầu cuộc họp bằng cách kêu gọi ý kiến phát triển tổ chức một cách toàn diện và hợp tác giữa các bộ phận để cùng lớn mạnh. Các này giúp các trưởng phòng và quản lý có thêm đồng minh và xây dựng hệ thống hỗ trợ cho mình thay vì cổ suý cho suy nghĩ bè phái. 

Trên thực tế, các nhà quản lý có thể nâng tầm tư duy hợp tác giữa các phòng ban bằng cách đa dạng hoá các dự án và đề tài thảo luận. Chuyên gia phát triển nhân tài cũng cho biết, nhân viên với vốn sống đa dạng sẽ đem lại những giải pháp độc đáo và giới thiệu những góc nhìn khác cho doanh nghiệp. 

Khi bạn đa dạng hoá nguồn nhân sự, nhân viên của bạn sẽ tiếp cận vấn đề theo nhiều cách khác nhau. Nhờ đó, doanh nghiệp bạn sẽ có thêm nhiều giải pháp sáng tạo và độc đáo. 

Việt hoá bởi Học viện Chiến lược Nhân sự HSM 

Nguồn: 

Crosby, P. (2017, August 24). How to encourage critical thinking in the workplace. The Uncommon League. https://theuncommonleague.com/blog/2017824/how-to-encourage-critical-thinking-in-the-workplace

Bạn đang muốn tìm hiểu thêm cách thức để nhận biết yếu tố kích thích/hạn chế tư duy phản biện trong công việc hay  phương pháp trau dồi kỹ năng này? Hãy tham gia khoá học “Tư duy phản biện” của HSM và được tư vấn bởi những chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Learning & Development.