06 YẾU TỐ CỦA MỘT VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP VỮNG MẠNH

Một nền văn hoá vững mạnh đem lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Điều này đã được chứng minh bởi khoa học xã hội. Theo James l. Heskett, văn hoá “tạo ra 20-30% khác biệt trong năng suất khi so sánh với những đối thủ không có văn hoá lành mạnh.” Và các tác giả của tờ Harvard Business Review đã đúc kết nhiều bí quyết về tôn trọng văn hoá vùng miền, chọn việc dựa vào văn hoá doanh nghiệp, thay đổi văn hoá, và trao đổi phản hồi giữa các văn hoá khác nhau.

Tuy nhiên, văn hóa doanh nghiệp gồm những yếu tố gì? Mỗi nền văn hoá doanh nghiệp đều đặc biệt và được cấu thành bởi vô vàn yếu tố. Nhưng tôi đã đúc kết được ít nhất 6 yếu tố tạo nên một nền văn hoá tốt. Xác định những yếu tố này có thể là bước khởi đầu để xây dựng văn hóa doanh nghiệp khác biệt và giúp cho tổ chức bền vững. 

06 Yếu tố khởi đầu của một văn hoá doanh nghiệp vững mạnh.

Tầm nhìn

Một văn hóa lành mạnh lúc nào cũng bắt đầu với tầm nhìn hay sứ mệnh doanh nghiệp. Những câu từ này sẽ dẫn lối cho giá trị của doanh nghiệp. Từ đó, chúng sẽ cung cấp cho doanh nghiệp mục đích. Mục đích này sẽ chỉ đường dẫn lối cho mọi quyết định của toàn thể nhân viên. Một khi tầm nhìn hay tôn chỉ của doanh nghiệp được diễn đạt một cách chân thực và củng cố mạnh mẽ, nó thậm chí còn dẫn dắt cả khách hàng, nhà cung cấp và nhà đầu tư.

Các tổ chức phi lợi nhuận thường truyền đạt được sứ mệnh của mình bằng câu từ đơn giản mà hiệu quả. Chẳng hạn như tổ chứ The Alzheimer’s Association phấn đấu cho mục tiêu “Vì một thế giới không còn bệnh Alzheimer.” Còn tổ chức Oxfam thì hình dung “một thế giới công bằng không tồn tại nghèo khó.” Một câu nói đơn giản để tóm gọn tầm nhìn của doanh nghiệp là một yếu tố không thể thiếu của một văn hoá doanh nghiệp. 

Giá trị doanh nghiệp: Cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp 

Nằm trong tâm của văn hoá một doanh nghiệp chính là giá trị của nó. Chúng ta đã bàn về tầm nhìn định hướng cho mục đích của công ty ra sao. Còn ở đây, giá trị chính là một loạt những hướng dẫn về hành vì và tư duy để đạt được mục đích đó. Tập đoàn McKinsey & Company có một bộ tôn chỉ để giao tiếp với nhân viên về cách phục vụ khách hàng, quan hệ với đồng nghiệp và giữ tác phong chuyên nghiệp.

Giá trị của người khổng lồ Google nhắm đến được tóm gọn trong câu: “Đừng độc ác.” Tuy nhiên, họ cũng tuân thủ các tôn chỉ trong “Mười điều chúng tôi biết là đúng đắn.” Nhiều công ty thấy họ theo đuổi những giá trị khá chung chung và quen thuộc (về nhân viên, khách hàng, tác phong chuyên nghiệp, vv.). Tuy nhiên, khi bàn về giá trị, tính độc đáo không quan trọng bằng tính chân thực của chúng. 

Tập quán: Nơi thể hiện văn hoá rõ ràng nhất 

Tất nhiên, giá trị doanh nghiệp sẽ không có nghĩa lý gì nếu chúng không hiện diện trong tác phong và tập quán doanh nghiệp. Khi một tổ chức tuyên bố “con người là tài sản lớn nhất của chúng tôi,” tổ chức đó nên đầu tư vào nhân sự qua nhiều cách thức rõ ràng. Tập đoàn Wegman tuyên truyền giá trị như “quan tâm” và “tôn trọng.” Họ cũng hứa hẹn với ứng viên rằng “đây sẽ là công việc bạn yêu thích.” Và tập đoàn đã giữ đúng tác phong này khi đứng thứ 5 trong số Những công ty đáng làm việc nhất.

Tương tự, nếu một doanh nghiệp quan tâm đến mô hình “uỷ quyền,” doanh nghiệp này phải khuyến khích nhân viên cấp thấp nêu ý kiến trái chiều mà không sợ bị trù dập. Tóm gọn lại, mặc cho tôn chỉ là gì, doanh nghiệp cần củng cố những giá trị đó trong hệ thống đánh giá và khen thưởng. Đồng thời, doanh nghiệp cần kết hợp chúng vào các nguyên tắc làm việc thường ngày của mình. 

Con người làm nên văn hoá doanh nghiệp 

Không một công ty nào có thể xây dựng một văn hóa đồng bộ nếu thiếu đi những người ủng hộ hay sẵn sàng theo đuổi cùng bộ giá trị. Chính vì vậy, những tập đoàn lớn nhất thế giới thường khét tiếng về quy trình tuyển dụng của họ. Theo tác giả Charles Ellis, những tập đoàn lớn mạnh nhất thường “khắt khe kinh khủng để tuyển dụng không chỉ những người tài giỏi nhất mà còn phải phù hợp nhất với văn hoá của doanh nghiệp.” Ellis nhấn mạnh rằng tại những tập đoàn đó, một ứng viên được phỏng vấn bởi 8 đến 20 người.

Theo tờ Monster.com, một nghiên cứu chỉ ra rằng khi ứng viên cảm thấy bản thân phù hợp với văn hoá doanh nghiệp, họ chấp nhận mức lương thấp hơn 7%. Và những ban ngành có văn hoá đồng bộ thường giữ chân được nhân viên lâu hơn 30%. Ta thường gắn bó với văn hoá phù hợp với bản thân. Và khi thuê được đúng “người truyền bá văn hoá,” doanh nghiệp sẽ củng cố được chính sách và giá trị của mình. 

Câu chuyện

Marshall Ganz đã từng là một nhân vật chủ chốt trong chiến dịch United Farm Workers của Caesar Chavez. Ông cũng giúp lên kế hoạch và thông điệp trong chiến dịch tranh cử của tổng thống Barack Obama vào năm 2008. Hiện tại, ông đang là giáo sư giảng dạy tại trường ĐH Harvard với bộ môn “sức mạnh kể chuyện.” Mỗi tổ chức đều có một lịch sự riêng biệt – một câu chuyện đặc biệt. Và khả năng truyền tải lịch sử đó thành một câu chuyện là một yếu tố quyết định tạo nên văn hoá doanh nghiệp.

Yếu tố kể chuyện có thể khá hình thức. Như Coca-Cola dành một khoản chi lớn lưu giữ di sản của mình. Thậm chí nhãn hiệu này còn có cả một Viện Bảo Tàng Coke tại Atlanta. Yếu tố kể chuyện cũng có thể không chính thức. Ví dụ như niềm hứng thú của Steve Jobs với thư pháp đã định hình cho tính thẩm mỹ cao của Apple. Bất luận thế nào, lịch sử doanh nghiệp sẽ truyền cảm hứng hơn khi được nhận biết, định hướng và kể lại như một phần của văn hoá doanh nghiệp. 

Địa điểm

Tại sao trụ sở của Pixar lại có kiến trúc mở để nhân viên có thể tình cờ gặp gỡ và tương tác với nhau? Vì sao cựu Thị trưởng TP New York lại muốn nhân viên của mình làm việc trong văn phòng bullpen (một văn phòng lớn với các bàn làm việc sát nhau không vách ngăn) thay vì các phòng ban cách biệt? Bạn có để ý tại sao các startup công nghệ lại tập trung ở Thung Lũng Silicon còn các tập đoàn tài chính lại ở London và New York? Có rất nhiều cách trả lời cho những câu hỏi trên.

Tuy nhiên, một điều rõ ràng là địa điểm định hình văn hoá. Kiến trúc mở thường tạo điều kiện cho việc hợp tác. Một số thành phố và quốc gia có các quy định về xây dựng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến văn hoá mà doanh nghiệp đang cố gắng xây dựng. Vì vậy, địa điểm – dù đó là địa lý, kiến trúc hay thẩm mỹ – đều ảnh hưởng đến giá trị và hành động của nhân viên. 

Có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến văn hoá công ty. Tuy nhiên, 6 yếu tố trên có thể cung cấp một nền tảng vững chắc cho một doanh nghiệp non trẻ. Nhận định và hiểu rõ chúng hơn cũng có thể giúp doanh nghiệp bắt đầu tái tạo hoặc định hướng lại văn hoá cho mình. 

Nguồn:

Coleman, J. (2013, May 06). Six components of a great corporate culture. Harvard Business Review. https://hbr.org/2013/05/six-components-of-culture?registration=success

Để biết thêm về các phương pháp xây dựng một văn hoá doanh nghiệp vững mạnh, hãy tham gia khoá học “Văn Hoá Doanh Nghiệp” của HSM để được tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực quản lý và nhân sự.