3 Công Thức Giúp Nâng Cao Kỹ Năng Giảng Dạy Cho Giảng Viên Nội Bộ

Để có thể trở thành một giảng viên nội bộ chuyên nghiệp là một trong những nhiệm vụ khó khăn đối với nhiều người. Vậy làm thế nào để gây ấn tượng đối với học viên trong các bài giảng? Trong bài viết này Học viện Chiến lực Nhân sự HSM sẽ bật mí cho bạn 03 công thức giúp nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giảng viên nội bộ hiệu quả nhé.

1. Công thức INTRO – Công thức mở đầu trong kỹ năng giảng dạy

Công thức này sẽ giúp bạn xây dựng được phần mở đầu thu hút và ấn tượng cho bất cứ bài giảng nào. Đây còn là công thức mới lạ đối với nhiều người.

3 Công thức giúp nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giảng viên nội bộ a, Công thức INTRO bao gồm:

I – Interest: Gây hứng thú

N– Need: Sự cần thiết (Lợi ích cho học viên)

T– Title: Tên chủ đề giảng dạy

R– Range: Phạm vi bài giảng

O– Objectives: Mục tiêu bài giảng

Interest : Gây hứng thú

Mục đích của phần này là thu hút sự chú ý của học viên, tạo sự kích thích, ham muốn học tập của học viên. Giảng viên cần suy nghĩ về câu hỏi: Với chủ đề này, điều gì sẽ gây được hứng thú/thu hút với học viên?

3 Công thức giúp nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giảng viên nội bộ Phương pháp được sử dụng nhiều là dùng số liệu thống kê. Ví dụ với chủ đề “Gắn kết Nhân viên”, bạn có thể trích dẫn số liệu thống kê như sau:

Các công ty có tỷ lệ gắn kết đội ngũ cao luôn đạt được những hiệu quả kinh doanh hơn. Đặc biệt, theo Gallup (công ty thăm dò uy tín bậc nhất của Mỹ) cho biết:

  • Sự hài lòng của khách hàng cao hơn 10%
  • Lợi nhuận cao hơn 22%
  • hiệu suất làm việc cao hơn 21%
  • Tỷ lệ nghỉ việc giảm đáng kể ( chiếm 25% so với 65%)
  • Tỷ lệ nhân viên nghỉ phép (ít hơn 37%).

Bạn có thể bắt gặp cách thức này ở nhiều chuyên đề. Ví dụ như thống kế về các nỗi sợ của con người trong đó có việc sợ thuyết trình để dẫn vào Kỹ năng thuyết trình, thống kê về sự lãng phí của các cuộc họp để dẫn vào Kỹ năng tổ chức cuộc họp hiệu quả, thống kê về hiệu quả của Coaching nhân viên mang lại cho doanh nghiệp,…

Một lưu ý khi dùng cách thức trong kỹ năng giảng dạy này là số liệu cần thuyết phục và có trích nguồn từ các tổ chức uy tín sẽ đạt hiệu quả cao.

Dưới đây là một số phương pháp phổ biến khác để các bạn có thể tham khảo và nghiên cứu thêm:

  • Kể một câu chuyện
  • Xem một hình ảnh/Video
  • Một hoạt động/trò chơi
  • Một câu nói nổi tiếng (danh ngôn, ca dao tục ngữ…)
  • Câu hỏi, trắc nghiệm…

Need : Sự cần thiết

Nếu các bạn đang làm việc trong lĩnh vực bán hàng hoặc đào tạo về bán hàng thì chắc hẳn sẽ rất quen thuộc với Kỹ thuật trình bày sản phẩm theo F.A.B (Features – Đặc điểm; Advantages – Ưu điểm; Benefits – Lợi ích).

3 Công thức giúp nâng cao kỹ năng giảng dạy cho giảng viên nội bộ Chữ NEED ở đây được hiểu giống chữ Benefits để trả lời cho câu hỏi: Sản phẩm/Bài giảng này giúp được gì cho khách hàng/học viên?

Phần NEED không cần nói nhiều nhưng cần đánh đúng vào đối tượng học viên đang ngồi ở dưới để họ sẵn sàng và tập trung cao độ với bài giảng.

Ví dụ: Với chuyên đề “Gắn kết nhân viên”, học viên là Trưởng Phòng Nhân sự và Giám đốc/Trưởng các bộ phận đến từ các doanh nghiệp khác nhau, thì giảng viên sẽ nói như sau:

Chuyên đề ngày hôm nay sẽ giúp các Anh/Chị TBP nhân sự xác định được các nhu cầu của nhân viên khi làm việc. Đồng thời làm rõ 12 yếu tố quyết định sự gắn kết. Từ đó thay đổi/điều chỉnh các chế độ chính sách phù hợp. Với Anh/Chị là Giám đốc/TBP thì sẽ áp dụng được một số phương pháp cụ thể để giúp nhân viên gắn kết hơn với bộ phận, tổ chức.

b, Title : Tên chủ đề giảng dạy

Title sẽ trả lời cho câu hỏi: Học viên sẽ được học chuyên đề gì?

Thông thường, học viên cũng đã biết về tên chủ đề nên ở phần này. Chúng ta một lần nữa nhấn mạnh về chủ đề giảng dạy. Có một kỹ thuật khác để không hiển thị ra ngay slide tiêu đề, đó là:

  • Tắt màn chiếu bằng bút chỉ (hoặc phím “B” trên bàn phím). Sau phần Interest và Need mới mở lên;
  • Để slide chung của Chương trình (Ví dụ: Phát triển năng lực quản lý) sau đó làm Interest, Need rồi mới chuyển sang slide tên chuyên đề “Gắn kết nhân viên”.

c, Range : Phạm vi bài giảng

Phạm vi bài giảng trả lời cho câu hỏi: Học viên sẽ học gì? Trong thời lượng bao lâu?

Vậy trong phần này, giảng viên cần chia sẻ tối thiểu 02 thông tin sau: Thời lượng và nội dung

Ví dụ về chuyên đề “Gắn kết nhân viên”:

Với thời lượng 3,5 giờ, chúng ta sẽ triển khai 03 nội dung sau:

  • Nhu cầu của Nhân viên khi đi làm;
  • 12 yếu tố Gắn kết nhân viên;
  • Phương pháp áp dụng vào thực tế.

d, Objective : Mục tiêu bài giảng

Trả lời cho câu hỏi: Học viên sẽ đạt được điều gì sau bài giảng?

Ví dụ về chuyên đề “Gắn kết nhân viên”:

Sau khi kết thúc chuyên đề, học viên sẽ có thể:

  • Nhận thức được tầm quan trọng của việc gắn kế nhân viên với bộ phận, tổ chức;
  • Xác định được nhu cầu ưu tiên khi đi làm của từng nhóm nhân viên;
  • Giải thích được được 12 yếu tố Gắn kết nhân viên;
  • Trình bày được phương án áp dụng vào thực tế của chính doanh nghiệp mình.

2. Công thức 3R trong giúp học viên học tập hiệu quả

Một trong những mục tiêu quan trọng của đào tạo đó là giúp học viên dễ dàng tiếp nhận những kiến thức và kỹ năng mới, nhớ lâu và có thể áp dụng được ngay vào công việc thực tế.

Tuy nhiên, với phương pháp đào tạo truyền thống (giảng viên chỉ nói, học viên chỉ lắng nghe và ghi chép) thì mục tiêu này không đạt được.

Không những học viên sẽ quên gần hết nội dung sau khi đã được đào tạo, mà còn khiến việc áp dụng những điều được học vào thực tế gặp nhiều khó khăn.

Công thức 3R trong khi đứng lớp đào tạo để giúp chúng ta đạt được mục tiêu trên một cách dễ dàng và khoa học.

R – Repeat: Nhắc lại

R – Recall: Hồi tưởng

R – Relevant: Có liên quan

a, Repeat

Repeat trong đào tạo là việc chúng ta cùng học viên nhắc đi, nhắc lại các nội dung đã được chia sẻ, thảo luận.

Tại sao cần phải repeat?

Năm 1985, sau nhiều nỗ lực nghiên cứu về trí nhớ thì nhà tâm lý học nổi tiếng người Đức, Hermann Ebbinghaus đã công bố đồ thị của “trí quên” được gọi là FORGETTING CURVE – tạm dịch là “Đường cong quên lãng”.

Theo đồ thị “Đường cong quên lãng” thì khả năng gợi nhớ của chúng ta về bất kỳ một thông tin nào cũng sẽ giảm dần theo thời gian:

  • 20 phút chúng ta quên 42% kiến thức
  • Sau 1 giờ chúng ta quên 56% kiến thức
  • Và sau 9 giờ chúng ta quên 64% kiến thức
  • Đặc biệt sau 1 ngày chúng ta quên 67% kiến thức
  • Đến ngày thứ 31 chúng ta đã quên 79%.

Vậy trong đào tạo, làm sao để học viên tăng tỷ lệ ghi nhớ kiến thức đã được học?

Câu trả lời là TRÊN LỚP và SAU đào tạo cần có những hoạt động để nhắc đi nhắc lại (Repeat) những nội dung. Trong bài viết này tôi sẽ đề cập chi tiết đến kỹ thuật nhắc lại ở TRÊN LỚP.

Những thời điểm nào nên nhắc lại?

Giả sử khóa học của chúng ta diễn ra hai ngày liên tiếp với 4 buổi (B1, B2, B3, B4), chúng ta có thể nhắc lại ở những thời điểm sau:

  • Trung bình 20 phút nhắc lại nội dung vừa trao đổi;
  • Ở những slide nội dung chính, sau khi phân tích xong có thể nhắc lại ý chính để nhấn mạnh;
  • Mỗi buổi có nhiều nội dung thì hết mỗi nội dung có thể nhắc lại các ý chính, sau đó mới chuyển sang nội dung tiếp theo;
  • Cuối buổi 1, đầu buổi 2 nhắc lại các ý chính của buổi 1 ;
  • Đến cuối buổi 2, đầu buổi 3 nhắc lại các ý chính của ngày đầu tiên;
  • Và cuối buổi 3, đầu buổi 4 nhắc lại ý chính của buổi 3;
  • Cuối buổi 4 nhắc lại ý chính của cả khóa học.

Các phương pháp có thể áp dụng cho việc nhắc lại

Nhắc lại nhiều như vậy mà giảng viên cứ tự nói thì sẽ khiến học viên sẽ cảm thấy nhàm chán, có một số phương pháp mà giảng viên có thể áp dụng cho việc nhắc lại như sau:

  • Giảng viên tự nói
  • Hỏi học viên
  • Bài kiểm tra cá nhân (tự luận, trắc nghiệm, đúng sai…)
  • Nhóm 2,3 học viên tự trao đổi
  • Trò chơi:
  •  Ai là triệu phú (4 nhóm dơ bảng ABCD)
  • Kahoot (thi cá nhân tương tác online, trò này các học viên thường rất hứng thú)
  • Trò khác: Vòng tròn, nối phương án đúng, điền từ chỗ trống…
  • Gallery walk: Các tờ giấy làm việc nhóm của học viên hoặc các tờ giấy mà giảng viên đã viết sẵn nội dung được treo trên tường xung quanh lớp học, các nhóm học viên sẽ di chuyển một vòng để cùng ôn tập. Phương pháp này thường dùng ở thời điểm cuối khóa học.

b, Recall – Hồi tưởng

Là việc cùng học viên hồi tưởng lại những hoạt động đã diễn ra trong chương trình đào tạo

Giả sử trong khóa đào tạo 2 ngày như trên, ở ngày thứ 2 giảng viên giải thích một điều đã diễn ra ở ngày 1 và chúng ta nhớ lại điều đó và khi đó như vỡ ra một điều gì, chúng ta thấy “À há, thì ra là như thế”, đó chính là Recall.

Với phương pháp giảng dạy truyền thống NATO (No Action, Talk Only) dường như sẽ không áp dụng được kỹ thuật này.

Nhưng với phương pháp giảng dạy hiện tại AFTA (Action First, Talk After), chúng ta luôn lồng ghép các hoạt động vào giảng dạy. Việc phân tích, kết nối từng chi tiết trong phần Action với thông điệp ở phần Talk sẽ mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy, giúp học viên dễ hiểu, nhớ lâu và hào hứng với bài giảng.

Bên cạnh việc hồi tưởng ngay với hoạt động vừa trải nghiệm, giảng viên có thể để học viên hồi tưởng lại các nội dung từ buổi trước, ngày trước (có tính toán trước) để phục vụ cho nội dung mình chuẩn bị chia sẻ.

c, Relevant : Có liên quan

Là các nội dung, tình huống, ví dụ… trong bài giảng cần liên quan tới công việc của học viên đang làm, như vậy học viên sẽ cảm thấy thuyết phục hơn

Nếu bạn phải tham dự một cuộc họp khá dài mà các thông tin ở đó không liên quan hoặc rất ít liên quan đến bạn thì bạn có nhiều hứng thú không? Chắc là không hứng thú lắm rồi. Trong đào tạo cũng vậy, do đó nguyên tắc tiếp theo tôi muốn chia sẻ đó là Relevant.

Tại sao khi tìm giảng viên cho khóa học Inhouse (khóa học theo yêu cầu), các doanh nghiệp hay lựa chọn những giảng viên có trải nghiệm trong lĩnh vực mà họ đang hoạt động?

Ví dụ :

Một khách sạn có nhu cầu đào tạo kỹ năng Quản lý cho đội ngũ nòng cốt của mình, khách sạn đó chắc chắn sẽ muốn muốn một người giảng viên đã từng làm Quản lý nhiều năm trong lĩnh vực khách sạn.

Một công ty lĩnh vực bán lẻ muốn đào tạo nhân viên bán hàng thì sẽ muốn tìm thầy có nhiều năm kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực này.

Điều này được lý giải bằng Relevant, bởi vì doanh nghiệp muốn những vấn đề nhân viên của họ gặp phải được giải quyết triệt để. Muốn các tình huống giảng viên đưa ra sát với doanh nghiệp. Các ví dụ đưa ra gần gũi với công việc thực tế của học viên…

Các mô hình, công thức về Quản lý, lập kế hoạch, bán hàng, tạo động lực…có thể là những nền tảng chung để soạn bài giảng, nhưng khi giảng viên đi giảng cho các doanh nghiệp khác nhau thì cần đưa những ý khác nhau vào để giải thích, minh họa.

Chính vì vậy, để tăng tính thuyết phục, giảng viên cần phải chuẩn bị những nội dung có sự liên quan chặt chẽ tới công việc của học viên.

3. Công thức OFF : Kết thúc bài giảng trong kỹ năng giảng dạy

O – Outcome – Tổng kết lại nội dung: “Qua bài tập này chúng ta rút rằng: Trình bày thành công là người nghe cảm nhận và thay đổi như thế nào mới quan trọng”.

F – Feedback – Phản hồi về nội dung và phương pháp: “Các bạn đã tham gia rất nhiệt tình và thông minh tìm ra kết quả nhanh chóng. Hãy tiếp tục với bài tập và nội dung tiếp theo!”.

F – Future – Giới thiệu nội dung/hoạt động tiếp theo: “Và nội dung tiếp theo của chương trình là…”.

Với 3 công thức kỹ năng giảng dạy trên đây sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng giảng dạy cuốn hút và tăng hiệu quả đào tạo trong doanh nghiệp. Hy vọng rằng với những kiến thức trên sẽ mang đến cho các bạn những thông tin hữu ích nhất nhé.

Nguồn:

Đàm Thế Ngọc

Learning Designer,

Học viện Chiến lược nhân sự HSM



Leave a Reply