Bí quyết khởi tạo môi trường và trải nghiệm học tập tích cực cho học viên

Một trong các xu hướng mới nhất và mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực đào tạo & phát triển chính là “Learning Experience” – Trải nghiệm học tập của học viên. Và trải nghiệm học tập sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường học tập. Hai yếu tố này sẽ song hành với nhau, và nếu cả 2 đều được làm tốt và tạo ra sự “tích cực”, chắc chắc hiệu quả đào tạo sẽ tăng lên nhiều. Do vậy, một người thiết kế chương trình đào tạo hoặc một giảng viên/điều phối viên sẽ cần lưu tâm đến việc làm sao để có thể tạo ra một môi trường và trải nghiệm học tập tích cực cho học viên. 

Một môi trường học tập tích cực là nơi mà học viên cảm thấy thoải mái và an toàn để chia sẻ những suy nghĩ, quan điểm của mình, sẵn sàng đặt câu hỏi và tham gia nhiệt tình các hoạt động trong lớp học mà không có sự ngại ngùng hay khó chịu. Và ở môi trường đó, học viên có thể tiếp thu được tối đa những giá trị từ chương trình đào tạo mang lại. 

Trong bài viết này, bạn sẽ được chia sẻ một góc nhìn, một cách tiếp cận dựa trên khoa học về việc học và các nguyên tắc học tập của người trưởng thành để từ đó, bạn có nhiều ý tưởng để thiết lập môi trường cũng như trải nghiệm học tập tuyệt vời cho học viên của mình.

Ghi chú: Đối tượng học viên được phân tích trong bài viết này là người trưởng thành, không dành cho các đối tượng trẻ em.

Trước khi bắt tay vào thiết kế một chương trình đào tạo chi tiết, chúng ta nên dựa trên cơ sở là các nguyên tắc học tập của người trưởng thành để có những ý tưởng và cách thức triển khai đào tạo phù hợp. Trong phần này, Học viện chiến lược nhân sự HSM chia sẻ về cách ứng dụng các nguyên tắc học tập của người trưởng thành trong việc thiết lập một môi trường học tập tích cực cho học viên.

Người trưởng thành học như thế nào?

Trên thế giới có một số nghiên cứu khác nhau liên quan đến cách một người trưởng thành học tập hiệu quả. Và trong đó, một lý thuyết về việc học của người trưởng thành được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất chính là của Malcolm Knowles, được công bố vào những năm 1970. 

Có 06 đặc điểm quan trọng của người học trưởng thành (theo lý thuyết của Malcolm Knowles)

  • Nhu cầu về kiến thức: Người trưởng thành cần biết lý do tại sao thông tin mà họ đang học lại quan trọng và cần thiết với họ
  • Động lực: Người trưởng thành được thúc đẩy bởi động lực nội tại (intrinsic motivators) như năng lực làm việc, phát triển cá nhân,…hơn là những yếu tố bên ngoài như: điểm số, xếp hạng,…
  • Sự sẵn sàng: Người trưởng thành sẽ sẵn sàng học tập hơn khi họ biết được những gì họ học sẽ mang lại giá trị ngay lập tức tới cuộc sống hay công việc của họ
  • Nền tảng & Trải nghiệm: Người trưởng thành mang theo một kho tàng kinh nghiệm và kiến thức phong phú giúp họ có thể học tập hiệu quả
  • Tự chủ: Người trưởng thành là những người độc lập, tự chủ và họ muốn có cảm giác được kiểm soát và làm chủ hoạt động học tập của họ
  • Định hướng học tập: Người trưởng thành học hiệu quả nhất khi họ “LÀM”. Khi học được học tập định hướng theo nhiệm vụ (task-oriented learning), họ sẽ kết nối với công việc thực tế của họ và họ sẽ thấy việc học tập hiệu quả và liên quan tới họ.

04 yếu tố để tạo ra môi trường học tập tích cực để hỗ trợ người trưởng thành học tập

Malcolm Knowles cũng có mô tả về môi trường sẽ giúp hỗ trợ người trưởng thành học tập tốt nhất. Dưới đây là 04 yếu tố quan trọng:

a, Thoải mái & Tin tưởng

Người học có thể có những cảm nhận tiêu cực và áp lực liên quan đến trải nghiệm học tập hồi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng khi tham gia các lớp học sau này, kể cả khi đã trưởng thành. Do vậy, khi giảng viên làm giảm bớt áp lực, bớt kỳ vọng và tạo cơ hội để học viên cảm thấy thư giãn, thoải mái, nó sẽ giúp họ học tập hiệu quả hơn. Khi giảng viên tạo ra sự tin tưởng trong lớp học, học viên có thể dễ dàng để bộc lộ những điểm yếu và hạn chế của bản thân mà không giấu giếm, ngại ngùng. Đồng thời, họ sẽ thoải mái chia sẻ các ý kiến, quan điểm cá nhân mà không sợ bị đánh giá, phán xét. Môi trường như vậy sẽ giúp học viên tham gia học tập tích cực và chủ động hơn.

b, Tôn trọng lẫn nhau

Khi giảng viên/điều phối viên không phân biệt vị trí trên dưới với học viên, cung cấp cho họ sự tự chủ, ghi nhận những kinh nghiệm cá nhân mà họ mang đến lớp học, nó sẽ giúp tạo ra một môi trường tôn trọng lẫn nhau. Sự tôn trọng này sẽ giúp tăng sự tham gia tích cực của học viên và giúp cho họ có thể ghi nhớ kiến thức được học lâu hơn.

c, Thân thiện & Ấm áp

Môi trường học tập nên tạo cho học viên cảm thấy gần gũi, cởi mở và được chào đón. Giảng viên/Điều phối viên nên chuyên nghiệp và chuẩn bị chu đáo, nhưng không nên quá cứng nhắc và thiếu sự linh hoạt. Việc sử dụng cách tiếp cận tự nhiên và thân thiện sẽ cho phép học viên chủ động và tập trung nhiều hơn vào các trải nghiệm học tập trên lớp.

d, Cộng tác & Hỗ trợ

Người học sẽ học được rất nhiều điều hữu ích từ người khác thông qua các chia sẻ và trải nghiệm khác nhau của chính giảng viên và của các học viên khác. Do vậy, chúng ta cần tạo ra một môi trường mà ở đó người học được cộng tác, trao đổi và chia sẻ với giảng viên hoặc các học viên khác. Đồng thời, hỗ trợ học viên thông qua các trải nghiệm của họ để giúp họ học tập và tiếp thu được tối đa những gì được chia sẻ và đào tạo trong lớp học.

Với trách nhiệm là giảng viên/điều phối viên, bạn sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo trải nghiệm tích cực của học viên thông qua việc thiết lập môi trường học tập. Hãy lưu tâm tới các yếu tố về nguyên tắc học tập cũng như về môi trường học tập tích cực được chia sẻ ở trên đây để giúp nâng cao hiệu quả đào tạo của học viên và giúp họ có những trải nghiệm học tập tuyệt vời.

Trải nghiệm học tập tích cực là gì?

Dựa trên các nguyên tắc học tập của người trưởng thành của nhà giáo dục người Mỹ Malcolm Knowles, có 2 thành tố quan trọng giúp tạo một môi trường học tập phù hợp với người trưởng thành:

  • Tạo ra một môi trường tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau và có sự hỗ trợ nhiệt tình
  • Giảng viên/điều phối viên là người biết cách tạo sự thoải mái, gần gũi, ấm áp, cộng tác và hỗ trợ cho học viên. Đồng thời, cũng là người thể hiện sự cởi mở, tin cậy, chân thành và khiêm tốn

07 cách thức mà giảng viên/điều phối viên có thể làm để tạo trải nghiệm tích cực cho học viên khi đào tạo trực tuyến

  • Trước khi khoá học diễn ra, bạn cần chuẩn bị những câu chuyện, thông tin về bản thân mà liên quan và gần gũi đến học viên. Việc này sẽ giúp quá trình giảng dạy của bạn tạo ra sự kết nối và đồng cảm với học viên dễ dàng hơn nhiều
  • Ở ngay phần đầu tiên của buổi học trực tuyến khi phòng học mới được mở ra, bạn cần lưu ý rằng không khí và môi trường ở thời điểm này có thể tạo ra những trải nghiệm tích cực hoặc tiêu cực của học viên ngay lập tức. Do vậy, bạn nên mở phòng học sớm khoảng 30 phút, chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, có nhạc nhẹ nhàng, duy trì một không khí chào đón ấm áp khi học viên bắt đầu vào lớp
  • Một lời chào mừng thân thiện của bạn sẽ tác động rất lâu đến học viên. Hãy chào hỏi từng người bằng việc sử dụng tên của họ. Hãy hỏi thăm, quan tâm họ và bảo họ hãy kiểm tra về micro, camera để đảm bảo mọi thứ ổn định trước khi vào buổi học chính thức. Nếu học viên có trục trặc kỹ thuật, hãy bình tĩnh và hỗ trợ họ giải quyết, hoặc nhờ trợ giảng hỗ trợ họ trực tiếp.
  • Hãy tạo một hoạt động phá băng đầu giờ để cho phép học viên có một cuộc trò chuyện cởi mở, thoải mái trước khi lớp học bắt đầu. Tạo cơ hội cho họ được giới thiệu bản thân, bạn cũng chia sẻ thông tin về mình. Đồng thời, có hoạt động để giúp họ làm quen với các công cụ/tính năng mà bạn sẽ sử dụng trong lớp học
  • Mời gọi học viên thoải mái sử dụng các biểu tượng cảm xúc trong suốt lớp học để chia sẻ các cảm xúc của họ với các nội dung hoặc hoạt động. Bạn nên sử dụng đa dạng các công cụ/tính năng giúp học viên cộng tác và chia sẻ ý kiến của mình hiệu quả, ví dụ như công cụ Annotation (chú thích) và Breakout Room (Chia phòng)
  • Hãy liên tục sử dụng tên của học viên một cách thường xuyên và với sự chân thành. Việc học viên được gọi tên và ghi nhận sẽ giúp họ có kết nối rất sâu với giảng viên. Điều đó sẽ tạo ra sự tôn trọng và niềm tin giữa bạn và học viên.
  • Hãy đặt nhiều câu hỏi cũng như sẵn sàng cởi mở lắng nghe những ý kiến, suy nghĩ và phản hồi của học viên. Hãy tập trung lắng nghe những gì học viên nói và cố gắng liên kết những suy nghĩ và ý tưởng của họ vào nội dung lớp học.

Nguồn:

Đỗ Thành Công

L&D Manager – Learning Designer

Học viện Chiến lược nhân sự HSM