Đánh Giá Hiệu Quả Đào Tạo Dựa Trên Mô Hình KirkPatrick 

Mô hình Kirkpatrick được công nhận bởi các tổ chức uy tín trên thế giới và được hầu hết các doanh nghiệp sử dụng trong việc đánh giá hiệu quả các chương trình đào tạo. Mô hình cũ và mô hình cập nhật nhất có điểm gì giống và khác nhau, cách ứng dụng mô hình Kirkpatrick như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Vào những năm 1950, tiến sĩ Donald Kirkpatrick lần đầu tiên giới thiệu ra công chúng phương pháp luận đánh giá hiệu quả đào tạo, đó chính là mô hình Kirkpatrick – đánh giá theo 4 cấp độ: Cấp độ 1 – Reaction (phản ứng), cấp độ 2 – Learning (học tập), cấp độ 3 – Behaviour (hành vi) và cấp độ 4 – Result (kết quả).

Mô hình này được các chuyên gia đào tạo sử dụng trong nhiều năm sau đó để đánh giá hiệu quả các chương trình đào tạo. Mô hình được tác giả đề cập đến trong nhiều cuốn sách của mình như: Đánh giá hiệu quả chương trình đào tạo, Thực thi 4 cấp độ, Chuyển hoá học tập thành hành vi, Một góc nhìn khác về đánh giá hiệu quả đào tạo…

Bên cạnh đó mô hình Kirkpatrick cũng được đưa vào nhiều ấn phẩm, bài viết, chương trình đào tạo của các tổ chức uy tín như ATD, SHRM…

Năm 2009, kế thừa những tinh hoa từ mô hình Kirkpatrick. Con trai và con dâu của tiến sĩ Donald Kirkpatrick là Jim và Wendy đã có những cải tiến mang tính đột phá. Nâng cấp mô hình Kirkpatrick lên một phiên bản hoàn toàn mới được gọi tên “The New World KirkPatrick Model”

Điểm giống nhau giữa mô hình mới và mô hình cũ là vẫn là 4 cấp độ nhưng sự khác nhau . Và ở từng cấp độ được chỉ rõ những điểm quan trọng cần đánh giá cũng như có thêm những cách tiếp cận để nâng cao tỷ lệ thành công khi áp dụng phương pháp này. Dưới đây là tông tin về 4 cấp độ được đề cập trong mô hình Kirkpatrick mới nhất:

Cấp độ 1: Reaction (phản ứng) – Cảm nhận của học viên về khóa học

Ba yếu tố quan trọng được đánh giá trong cấp độ này là:

  • Mức độ gắn kết của học viên với bài giảng
  • Mức độ liên hệ của bài giảng với thực tế công việc của học viên
  • Mức độ hài lòng của học viên khi tham gia khóa học

Cấp độ 2: Learning (học tập) – Học viên học được gì từ khoá học

Năm yếu tố quan trọng được đánh giá trong cấp độ này là:

  • Học viên tiếp nhận thêm được gì về kiến thức
  • Học viên thực hiện được thêm kỹ năng gì mới
  • Thái độ học viên đã thay đổi như thế nào
  • Mức độ tự tin của học viên sau khi học xong
  • Mức độ cam kết ứng dụng của học viên như thế nào

Cấp độ 3: Behavior (hành vi) – Học viên thay đổi như thế nào sau khóa học 

Người làm công tác đào tạo và phát triển không chỉ tổ chức xong và ngồi kỳ vọng học viên sẽ ứng dụng, theo Jim Kirkpatrick, người làm đào tạo và phát triển cần đóng vai trò “dẫn dắt” quá trình thay đổi của học viên. Và mới cấp độ 3 trong mô hình Kirkpatrick chúng ta cần lưu tâm:

  • Các hoạt động học tập từ công việc tiếp tục được triển khai như thế nào
  • Cần cung cấp những hỗ trợ gì cho học viên khi họ ứng dụng
  • Cách thức giám sát ứng dụng sao cho hiệu quả
  • Cơ chế khích lệ và tưởng thưởng mang tính thúc đẩy

Cấp độ 4: Results (kết quả) – Khóa học mang lại kết quả gì cho học viên, cho doanh nghiệp

Thông thường chúng ta hay quan tâm đến kết quả mong muốn nhưng trong mô hình Kirkpatrick mới, Jim và Wendy đề cập đến những “chỉ số dẫn dắt” – điều cần tập trung trong mỗi giai đoạn ngắn hạn để đảm bảo kết quả mong muốn sẽ đạt được.

Nhiệm vụ của người làm đào tạo và phát triển là cần tìm ra các “chỉ số dẫn dắt này” để đưa vào kế hoạch hành động nhằm dẫn dắt sự chuyển đổi cũng như giám sát học viên ứng dụng một cách thuận lợi hơn

Trên đây là các thông tin về mô hình Kirkpatrick cập nhật nhất. Khi triển khai đánh giá ở mỗi cấp độ chúng ta có thể linh hoạt các cách thức đánh giá: biểu mẫu, quan sát, phỏng vấn, báo cáo thực tế….Mỗi khóa học có thể sử dụng hình thức và công cụ khác nhau. Ngay cả khi dùng biểu mẫu đánh giá ở cấp độ 1 thì biểu mẫu này cũng có thể khác nhau với các khoá học khác nhau, điều này khác với cách chúng ta thường thấy là doanh nghiệp có một biểu mẫu và dùng chung cho mọi khoá học.

Chúc anh/chị sẽ ứng dụng mô hình Kirkpatrick cập nhật nhất hiệu quả vào công việc.

Nguồn: 

Mr.  Đàm Thế Ngọc 

L&D Manager – Learning Designer,

Học viện Chiến lược nhân sự HSM