Gợi Ý Cấu Trúc Bài Thuyết Trình Trình Chuyên Nghiệp Và Ấn Tượng 

Một trong những nền tảng quan trọng để giúp cho bạn có thể sở hữu kỹ năng thuyết trình hiệu quả chính là “Làm chủ cấu trúc bài thuyết trình”. Bài thuyết trình cũng như như một bài tập làm văn. Bài văn thì có Mở bài – Thân bài – Kết bài, còn bài thuyết trình thì có Mở đầu – Phát triển – Tổng kết.  Hãy cùng HSM khám phá một cấu trúc trọn vẹn của bài thuyết trình nhé.

Cấu trúc bài thuyết trình theo mô hình “CHIẾC ĐINH”

Chỉ cần bạn nắm rõ đặc điểm của Chiếc đinh, bạn có thể hoàn toàn dễ dàng hình dung ra cấu trúc 1 bài thuyết trình. Và biết mình cần làm gì, lưu ý gì trong cấu trúc của bài thuyết trình.

Hãy tưởng tượng…

xây dưng cấu trúc bài thuyết trình Bài thuyết trình của bạn là Chiếc đinh, và Tâm trí khán giả của bạn là 1 tấm gỗ mỏng manh. 

Nhiệm vụ của bạn là làm sao đóng Chiếc đinh vào tấm gỗ một cách nhẹ nhàng. Vừa để Chiếc đinh đó gắn chặt vào tấm gỗ mà không khiến tấm gỗ bị vỡ hoặc bị hỏng

  • Mũi đinh tượng trưng cho phần Mở đầu bài thuyết trình
  • Thân đinh tượng trưng cho phần Phát triển
  • Mũ đinh tượng trưng cho phần Kết thúc.

Cách triển khai chi tiết cấu trúc bài thuyết trình theo mô hình “chiếc đinh”

Việc triển khai cấu trúc 1 bài thuyết trình theo mô hình “chiếc đinh” không chỉ giúp bạn có một bài thuyết trình mạch lạc, rõ ràng mà nó còn giúp bạn có thể thu hút và gây được ấn tượng với những người xung quanh.

Mũi đinh – Phần Mở đầu

Khi bắt đầu đóng đinh vào miếng gỗ, nếu mũi đinh mà không sắc nhọn thì chắc chắn chiếc đinh khó mà đâm xuyên qua được miếng gỗ. Người đóng không những phải dùng lực nhiều hơn, mà rủi ro xảy ra là hỏng cả đinh, cả búa và đặc biệt là hỏng miếng gỗ luôn.

phần mở đầu trong cấu trúc bài thuyết trình Phần mở đầu bài thuyết trình cũng như vậy, nếu chúng ta mở đầu theo kiểu truyền thống: 

“Chào các bạn, hôm nay tôi sẽ thuyết trình về chủ đề….” thì nó không những không tạo ra sự hứng thú gì nơi người nghe mà còn khiến họ đóng tâm trí lại, không muốn dành thời gian để lắng nghe xem bạn định nói gì. 

Các cụ đã nói: “Đầu xuôi thì đuôi lọt”. Nếu chúng ta làm phần mở đầu thật thu hút và hiệu quả, khán giả chắn chắn sẽ mở lòng và chú tâm để theo dõi các nội dung tiếp theo của chúng ta.

Các nội dung cần chia sẻ trong phần mở đầu:

  • Tạo thu hút và gây chú ý
  • Giới thiệu nội dung chính của bài thuyết trình
  • Lợi ích mà người nghe nhận được khi 
  • Mục đích/Mục tiêu của bài thuyết trình

Theo nghiên cứu, bạn chỉ có 20 giây đầu tiên để gây ấn tượng ban đầu bằng cho khán giả và chỉ có 4 phút để thu hút họ với nội dung mà bạn chia sẻ. Việc họ có tiếp tục lắng nghe hay không phụ thuộc rất nhiều vào phần tạo sự chú ý của bạn trong phần mở đầu

Một số ý tưởng giúp phần mở đầu thu hút và ấn tượng với khán giả

  • Câu hỏi
  • Danh ngôn/Tục ngữ
  • Hình ảnh/video
  • Câu chuyện
  • Hành động
  • Trò chơi

Thân đinh – Phần Phát triển

Khi mũi đinh đã đâm qua tấm gỗ, nhiệm vụ tiếp theo là làm sao phần Thân đinh cũng chui qua tấm gỗ 1 cách dễ dàng và trọn vẹn. Nếu thân đinh không thẳng hoặc quá to hoặc quá nhỏ, không phù hợp với tấm gỗ thì khả năng chiếc đinh cũng khó mà xuyên qua được nó hoặc nếu dài quá thì nó bị thừa quá nhiều khi xuyên qua tâm gỗ.

cấu trúc bài thuyết trình đơn giản, chuyên nghiệp và ấn tượg Do vậy, thân đinh cần thẳng, kích thước vừa đủ, không quá dài, không quá ngắn -> PHÙ HỢP VỚI TẤM GỖ

Phần thân bài cũng như vậy, nếu lượng thông tin quá ít, quá lớn hoặc không phù hợp với mối quan tâm của khán giả, tâm trí của họ cũng khó mà tiếp nhận và ghi nhớ được. Mọi thứ sẽ trôi đi như một cơn gió thoảng qua. 

Một số mạch nội dung có thể triển khai cho phần Phát triển:

  • 1 – 2 – 3
  • Nguyên nhân – Kết quả
  • Đề xuất – Lý do
  • Vấn đề – Giải pháp – Lợi ích
  • Vấn đề – Nguyên nhân – Giải pháp

Một vài lưu ý quan trọng trong cấu trúc bài thuyết trình bạn cần lưu ý:

  • Nguyên tắc “con số 3”: Nội dung không nên có quá 03 ý chính, vì nếu nhiều hơn, não bộ của khán giả sẽ khó nhớ những gì chia sẻ
  • Trong từng ý chính nên có phần diễn giải và đặc biệt cần có “Dẫn chứng/Ví dụ” để giúp khán giả hiể rõ hơn về thông điệp mà bạn muốn truyền tải
  • Xen kẽ trong nội dung chia sẻ nên có một số phần tương tác với khán giả thay vì chỉ nói một chiều từ đầu đến cuối

Mũ đinh – Phần Tổng kết

Khi chiếc đinh đã xuyên qua tấm gỗ, nếu không có Mũ đinh để giữ lại chiếc đinh đó thì rất có nguy cơ chiếc đinh sẽ bị rơi khỏi tấm gỗ và không được bám lại. Nhiệm vụ của Mũ đinh là giúp cho chiếc đinh bám chặt vào tấm gỗ 1 thời gian dài.

Đây cũng chính là nhiệm vụ của phần Tổng kết. Bài thuyết trình của chúng ta nên được “ghim” vào tâm trí của khán giả sau khi kết thúc. Điều này giúp họ có thể ghi nhớ lâu hơn. Và có thể ứng dụng điều gì đó vào trong thực tế công việc/cuộc sống của họ

Một sai lầm phổ biến mà những người thuyết trình thường gặp ở phần Tổng kết, đó là “Kết thúc cụt ngủn”. Ví dụ: “Bài thuyết trình của tôi đến đây là hết. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe”. 

Khi mình kết thúc như vậy, những gì bạn nói trong phần nội dung dù hay đến mấy thì cũng có thể trôi đi rất nhanh khỏi đầu khán giả.

Vậy chúng ta cần làm những việc gì trong phần Kết bài?

Các công việc cần làm:

  • Tóm tắt lại các ý chính của bài thuyết trình
  • Hỏi – Đáp với khán giả
  • Kêu gọi hành động hoặc tạo sự thu hút với một thông điệp mạnh mẽ

Tóm lại

Đây là hình ảnh tổng quan về chiếc đinh và các công việc cần làm trong từng phần của bài thuyết trình. Hãy nhớ rằng, điều quan trọng nhất của bài thuyết trình là nội dung và thông điệp cần phù hợp với khán giả. Do vậy, trước bắt tay vào làm cấu trúc bài thuyết trình chi tiết, bạn hãy dành nhiều thời gian để tìm hiểu và phân tích thật kỹ về khán giả nhé!

Chúc các bạn thành công!

Nguồn: 

Mr. Đỗ Thành Công

L&D Manager – Learning Designer,

Học viện Chiến lược nhân sự HSM