“LÃNH ĐẠO TỰ THÂN” – CHÌA KHOÁ THÀNH CÔNG CỦA QUẢN LÝ NHÂN LỰC

Trong thời đại 4.0, tư duy uỷ quyền ngày càng được trọng dụng để giúp doanh nghiệp linh hoạt trên thương trường. Tuy nhiên, phương thức này đòi hỏi nhiều kỹ năng quản lý mới, đặc biệt là kỹ năng lãnh đạo “tự thân.” Bài viết này sẽ chia sẻ một số gợi ý giúp cấp quản lý phát triển kỹ năng lãnh đạo tự thân cho doanh nghiệp.

Thời thế thay đổi đòi hỏi kỹ năng “lãnh đạo tự thân”

Trong cuốn “Future Work,” tác giả Peter Thomas đã viết: “Các tổ chức cần chuyển đổi tư duy lãnh đạo từ tập trung ra chỉ thị và điều khiển sang trao quyền và tin tưởng nhân viên thực hiện công việc của họ.” Bản chất của cách tư duy này chính là uỷ thác nhân viên tự do sắp xếp công việc của mình. 

Mặc dù quyền tự quyết và làm việc từ xa đem lại nhiều cơ hội, chúng cũng tạo ra nhiều thử thách và đòi hỏi lãnh đạo có kỹ năng quản lý mới. Để có thể trụ lại trên thị trường, các doanh nghiệp phải thích nghi với nhiều thay đổi về công nghệ và văn hoá doanh nghiệp. Chính vì vậy, mô hình tổ chức phẳng (hay tổ chức theo chiều ngang) đang ngày càng được trọng dụng bởi tính linh hoạt và hợp tác cao của nó. Giờ đây, tính linh hoạt không kém phần quan trọng khi so với hiệu suất và độ tin cậy. Vì vậy cũng dễ hiểu tại sao nhiều công ty đang tập trung chủ yếu vào mục tiêu phát triển doanh nghiệp. 

Nhiều tổ chức hàng đầu đang chú trọng huấn luyện cho chuyên viên và lãnh đạo để tránh việc nhân tài của họ bị tụt hậu hoặc rời  công ty. Kỹ năng, chuyên môn và sự phát triển bản thân của nhóm nhân viên này đều rất quan trọng với mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, huấn luyện về lãnh đạo bản thân là một đầu tư chính đáng về thời gian, công sức và tiền bạc. Tuy nhiên doanh nghiệp phải trả lời câu hỏi hóc búa sau:

Doanh nghiệp cần làm gì với đại bộ phận nhân viên còn lại?

Nhân viên chính là tài sản quý giá nhất của phần đông doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường không tập trung hay dự kiến ngân sách cho việc phát triển nhân viên. Mặc dù cấp lãnh đạo thường được tập huấn để làm quen với vai trò và trách nhiệm mới, phần đông nhân viên còn lại phải tự xoay sở. 

Nếu chúng ta xem doanh nghiệp như một khu vườn với nhân viên là cây cối kiến tạo nên khu vườn đó. Chỉ cần có đủ dưỡng chất và điều kiện môi trường phù hợp, mọi cây trồng trong khu vườn đều có thể sinh trưởng. Liệu có phải vậy không? Dù một số loại cây được thiên phú khả năng chống chọi với điều kiện khắc nghiệt, đa phần các loại cây khác không như vậy. Chúng sẽ héo hon nhanh chóng và không thể phát triển hết tiềm năng. 

Với hình ảnh so sánh này, doanh nghiệp có thể vận dụng “phân bón tự nhiên” nào để giúp nhân viên của mình phát triển đây? 

Kỹ năng lãnh đạo tự thân chính là “phân bón tự nhiên” cho vườn ươm nhân tài của doanh nghiệp.

Lãnh đạo tự thân giúp nhân viên gắn bó bền lâu với doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả làm việc

Lãnh đạo tự thân chính là một kỹ năng quan trọng trong thời đại Làm Việc 4.0. Cụm từ “Làm Việc 4.0” đã xuất hiện nhiều trong các cuộc bàn luận về Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp Lần Thứ 4. Trong thời đại này, chỉ có những người đã rèn luyện được kỹ năng lãnh đạo tự thân mới có thể có sự nghiệp thành công và vẫn duy trì lối sống lành mạnh. Điều này đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu, chẳng hạn như “Biểu Đồ Lãnh Đạo Năm 2014” của trường Đại Học Khoa Học Ứng Dụng Kalaidos ở Thuỵ Sỹ. 

Lãnh đạo tự thân là gì?

Lãnh đạo tự thân là một quá trình nội tâm thể hiện qua “nghệ thuật’ đương đầu với thử thách trong cuộc sống và tìm được niềm vui và sự thoả mãn trong quá trình đó. Quá trình nội tâm này đòi hỏi nhân viên phải hiểu rõ giá trị, niềm tin, sứ mệnh, vai trò và mục đích của công việc. Từ đó, họ sẽ có ý thức vận dụng suy nghĩ, cảm xúc và hành động để quyết định chính hoàn cảnh của mình và làm chủ các thử thách trong công việc thường ngày. Quá trình này sẽ giúp nhân viên sẽ cảm thấy hạnh phúc và thoả mãn với thành quả của mình. 

Hơn nữa, những người có khả năng lãnh đạo bản thân thường hành động linh hoạt, không ngại thử thách, và suy nghĩ theo định hướng tìm kiếm giải pháp. Họ cũng thường bình tĩnh trước những bất ổn và thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn (theo nghiên cứu của Gregor Brautigam, Thomas Dietz, Ingeborg Dietz, và Dieter Hinze). 

Những người có kỹ năng lãnh đạo tự thân là tài sản lớn của doanh nghiệp.

Mối liên hệ mật thiết giữa lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo tự thân?

Khả năng tự lãnh đạo của cấp quản lý ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tự lãnh đạo của nhân viên. Nhân viên thường được truyền cảm hứng khi thấy sếp của mình làm gương. Trong khi đó, cách nhà quản lý tự lãnh đạo sẽ tác động đến tư duy và cảm nhận của họ về nhân viên của mình. Điều này tác động lên phong cách làm việc của họ với nhân viên. 

Nghiên cứu của trường Đại Học Lao Động Xã Hội FNHW tại Thuỵ Sỹ đã phát hiện rằng lãnh đạo có thể hỗ trợ nhân viên phát triển kỹ năng lãnh đạo tự thân bằng các cách sau:

Huấn luyện cho nhân viên về lãnh đạo tự thân:

  • Lắng nghe và trả lời nhân viên.
  • Giúp đỡ nhân viên tự suy ngẫm về bản thân và thử thách của mình, từ đó tìm ra những góc nhìn mới để tìm ra giải pháp. 
  • Tập trung vào động lực cá nhân khi hình dung mục tiêu.
  • Phối hợp tư duy, cảm xúc và trực giác.
  • Viết ra mục tiêu một cách chính thức.
  • Chọn cách can thiệp cho phép tối ưu quá trình tự điều hành, tự phát triển cũng như tự thay đổi.
  • Cho phép nhân viên tự quyết định con đường để đạt được mục tiêu họ tự đề ra, từ đó tạo ra những thay đổi mang tính bền lâu.
  • Đưa ra phản hồi mang tính xây dựng để khơi gợi động lực và tính hiệu quả cao.

Những cách thức trên kêu gọi cấp lãnh đạo sử dụng huấn luyện như một cách thức quản trị doanh nghiệp, và điều này đòi hỏi: 

Nền tảng để huấn luyện kỹ năng lãnh đạo tự thân:

  • Doanh nghiệp cần tạo dựng nền tảng quản lý và điều kiện cần thiết.
  • Nhận thức về lợi ích và tiềm năng mà huấn luyện và lãnh đạo tự thân đem lại.
  • Lãnh đạo đang vận dụng thành công kỹ năng lãnh đạo bản thân và có kỹ năng huấn luyện, sẵn lòng hỗ trợ nhân viên phát triển kỹ năng tự lãnh đạo này dựa theo trách nhiệm quản lý sẵn có của họ.
  • Nhân viên tin tưởng lãnh đạo và sẵn sàng thay đổi để phát triển.

 

Những gợi ý này được rút ra từ mốc đo lường kết quả của cách huấn luyện mang tính hệ thống và hướng tới giải pháp được các nhà tâm lý Steve de Shazer và Insoo Kim Berg phát triển từ năm 1982. Phương pháp này tận dụng điểm mạnh của nhân viên để tìm ra giải pháp nhanh chóng. Điều này xuất phát từ quan điểm tập trung vào mong muốn, mục tiêu và tài nguyên sẽ có ích hơn là tập trung vào vấn đề. Khi được kết hợp với một môi trường tin tưởng và trọng dụng nhân tài, cách thức huấn luyện này sẽ tạo ra nền tảng vững chắc giúp nhân viên phát triển kỹ năng lãnh đạo tự thân. 

 

Doanh nghiệp của bạn đang ở đâu?

Liệu doanh nghiệp của bạn đã hưởng thành quả như vườn ươm của một nhà nông mát tay? Hay bạn vẫn đang chờ đợi thời cơ tốt hơn?

“Lãnh đạo tự thân sẽ tạo nền tảng tối ưu giúp nhân viên tự định hướng bản thân” 

 

Nguồn:2020-06-06

Steiner, C. (2020, Tháng Năm Ngày 22). The importance ò promoting self-leadership. Training Industry. https://trainingindustry.com/articles/leadership/the-importance-of-promoting-self-leadership/