Sự khác biệt giữa Training, Coaching và Mentoring là gì?

Trong hoạt động phát triển nhân viên, người quản lý thường xuyên phải kết hợp linh hoạt và đa dạng các hình thức khác nhau như Training ( đào tạo), Coaching ( huấn luyện/Khai vấn ) và Mentoring (Cố vấn). Thế nhưng, không nhiều người phân biệt rõ ràng được sự khác nhau của các hình thức này và cách sử dụng hiệu quả trong các tình huống cụ thể. Điều này dẫn đến việc người quản lý dùng sai phương pháp với tình huống cụ thể của nhân viên, từ đó khiến việc phát triển nhân viên chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng. Chúng ta hãy cùng nhau khám giá sự khác biệt giữa 03 hình thức này thông qua các tiêu chí chi tiết dưới đây.

Định nghĩa về Training, Coaching và Mentorning 

Trước hết, chúng ta sẽ cần làm rõ định nghĩa của từng hình thức:

a, Thế nào là Training là gì?

Training (Đào tạo) là một quá trình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và cách thực hiện hướng tới mục tiêu giúp cho người học nắm bắt các kiến thức, hiểu rõ cách làm hoặc phát triển kỹ năng để thực hiện một công việc hiệu quả hơn. Hoạt động này sẽ tập trung vào những người mới hoặc đang chưa có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực hoặc một công việc nào đó. 

Nhắc tới Training, người ta sẽ thường nghĩ tới những khoá học/chương trình đào tạo ngắn hạn cho một hoặc nhiều người. Trong chương trình đó, người giảng viên sẽ cung cấp và chia sẻ những tư duy, kiến thức và kỹ năng cho người học, giúp họ hiểu biết thêm về một lĩnh vực hoặc có năng lực để hoàn thành các nhiệm vụ của một công việc.

Coaching là gì?

Theo liên đoàn khai vấn quốc tế, Coaching (hay còn gọi là Huấn luyện/Khai vấn) là sự hợp tác giữa người huấn luyện (Coach) và người được huấn luyện (Coachee) trong một quá trình gợi mở những suy nghĩ mới và sự sáng tạo, từ đó tối đa hoá tiềm năng của họ trong công việc và cuộc sống.

Với hình thức Coaching – Huấn luyện, người quản lý (người huấn luyện) sẽ tập trung nhiều vào các giải pháp hơn là chăm chăm đào sâu vào vấn đề, hỗ trợ nhân viên thay vì đánh giá phán xét họ, thúc đẩy sự phát triển của nhân viên thay vì đưa ra các mệnh lệnh phải làm gì.

Điều quan trọng nhất với hình thức này đó là thay vì đưa ra tất cả câu trả lời, người huấn luyện sẽ giúp người khác phát triển các kỹ năng và tư duy cần thiết bằng cách đặt các câu hỏi và lắng nghe, từ đó người được huấn luyện sẽ tự tìm ra các giải pháp cho vấn đề của chính mình.

Mentoring là gì?

Theo Từ điển kinh doanh, Mentoring (hay còn gọi là Cố vấn) được định nghĩa là một hệ thống hỗ trợ phát triển nhân viên theo cách thức là một người ở vị trí cao hoặc có nhiều kinh nghiệm hơn (Mentor – người cố vấn) được chỉ định để cố vấn, hướng dẫn và hỗ trợ cho cấp dưới (Mentee – người được cố vấn). Người cố vấn sẽ có trách nhiệm hỗ trợ, chia sẻ và phản hồi cho người được cố vấn.

Hình thức Cố vấn sẽ dựa trên mối quan hệ hơn là dựa trên hiệu suất. Nó thiên về việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và hiểu biết của một cá nhân đến những người khác. Việc cố vấn sẽ không tập trung vào các hành động cụ thể và các kỹ năng cần phát triển. Nó tập trung nhiều vào việc chia sẻ lời khuyên.

Sự khác biệt giữa Training, Coaching và Mentoring là gì?

Tiêu chí TRAINING

(Đào tạo)

COACHING

(Huấn luyện)

MENTORING

(Cố vấn)

Tập trung Củng cố, nâng cao kỹ năng và kiến thức Cải tiến hành vi và hiệu suất, nhằm vào mục tiêu cụ thể Phát triển con người
Thời gian Thường là vài giờ đến vài ngày Thường nhiều buổi kéo dài trong vài tháng Thường dài hạn
Hình thức Truyền đạt, giảng dạy Đặt câu hỏi gợi mở Chia sẻ

kinh nghiệm

Tổ chức Thường 1-nhiều Thường 1:1 Thường 1:1
Người thực hiện Trainer (Người đào tạo) à chuyên gia, dẫn dắt người tham gia với những hoạt động, thảo luận, sắm vai, bài tập vv Coach (Người huấn luyện) là người đặt câu hỏi gợi mở để khám phá tiềm lực của người tham gia giúp họ tự tìm ra những cách giải quyết trong mỗi vấn đề dựa trên chính chuyên môn của mình Mentor (Người cố vấn) là chuyên gia, dẫn dắt, truyền dạy. Người tham gia thường hỏi để nhận được lời khuyên, kinh nghiệm
Kết quả Trainee (người được đào tạo) thu nhận/nâng cao được kiến thức/kỹ năng, tự tin hơn. Thường không tập trung vào kế hoạch và tiến độ áp dụng như thế nào Coachee (người được huấn luyện) nâng cao được mức độ áp dụng các kỹ năng; nhận thức tốt hơn về các hành vi và tác động của hành vi; đưa ra được nhiều cách tiếp cận, giải quyết vấn đề; có kế hoạch cải tiến hiệu suất Mentee (người được cố vấn) nhận thức sâu sắc và thông tỏ hơn về định hướng, nghề nghiệp và vai trò của mình. Tự tin hơn, chủ động lên kế hoạch để phát triển nghề nghiệp

Vậy là trong bài viết này, chúng ta đã cùng nhau khám phá định nghĩa tổng quan về 03 hình thức phát triển nhân viên phổ biến nhất cũng như phân biệt cụ thể chúng theo các tiêu chí khác nhau. Việc hiểu sâu sắc về từng hình thức này sẽ giúp cho người quản lý sẽ biết cách linh hoạt sử dụng hiệu quả và và phù hợp với tuỳ từng đối tượng nhân viên của mình để giúp họ phát triển năng lực tốt nhất.

Nguồn

Đỗ Thành Công,

L&D Manager – Learning Designer,

Học viện Chiến lược nhân sự HSM