Thiết kế chương trình đào tạo theo mô hình ADDIE

Để có thể thiết kế được các chương trình đào tạo bài bản và chất lượng, chúng ta cần dựa trên các mô hình đã được nghiên cứu, kiểm chứng và triển khai hiệu quả trên toàn cầu. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một mô hình phổ biến nhất và cũng là nền tảng nhất để thiết kế bất kỳ một chương trình đào tạo hoặc chương trình thiết kế hướng dẫn giảng dạy nào. Rất nhiều mô hình thiết kế chương trình mới được tạo ra trong những năm qua đều dựa trên gốc rễ là mô hình ADDIE và phát triển lên. Hãy cùng Học viện chiến lược Nhân sự HSM khám phá nhé!

Ghi chú: Từ tiếng anh nguyên gốc là Instructional Design (ID), có thể dịch ra là: Thiết kế hướng dẫn, thiết kế hướng dẫn giảng dạy, thiết kế dạy học. Bài viết này xin phép sẽ dùng phần dịch là “Thiết kế chương trình đào tạo” để gần gũi và dễ hiểu với đa số, mặc dù về mặt bản chất thì Instructional Design sẽ bao trùm nhiều thứ hơn.

Tổng quan về mô hình ADDIE

ADDIE là mô hình chuẩn mực của một quy trình thiết kế các chương trình đào tạo/hướng dẫn giảng dạy một cách có hệ thống. Chính với cách tiếp cận hệ thống này, bạn có thể sản xuất ra các chương trình đào tạo mà đảm bảo học viên có cơ hội để làm chủ được các kiến thức, kỹ năng cần thiết với mục tiêu đáp ứng hiệu quả công việc, đặc biệt là với những dự án/công việc phức tạp.

ADDIE được ra đời và phát triển dựa trên một mô hình đào tạo trong quân đội Mỹ tại Đại học Bang Florida năm 1975.

Đây là một mô hình mà hầu hết tất cả mọi người làm trong lĩnh vực đào tạo hoặc thiết kế chương trình đều đã biết đến hoặc quen thuộc. Nhưng không phải ai cũng hiểu đúng đắn hoặc nắm vững những đặc điểm cụ thể trong mô hình này để sử dụng hiệu quả. Do vậy, bài viết này sẽ hệ thống hoá lại mô hình ADDIE một cách bài bản và cô đọng để giúp bạn hiểu đúng và biết cách vận dụng hiệu quả khi thiết kế chương trình.

ADDIE là viết từ của các từ sau:

  • Analysis: Phân tích
  • Design: Thiết kế
  • Development: Phát triển
  • Implementation: Triển khai/Thực hiện
  • Evaluation: Đánh giá

Bạn có thể xem mô hình dưới đây, có 02 điểm nổi bật trong mô hình này:

  • Các giai đoạn thiết kế chương trình sẽ đi tuần tự từ Analysis đến Evaluation
  • Riêng bước Evaluation sẽ có mặt ở tất cả các giai đoạn còn lại, chứ không phải đến cuối cùng mới triển khai đánh giá.

Hiện nay, có rất nhiều mô hình thiết kế chương trình đào tạo phổ biến và cập nhật khác, nhưng hầu hết đều dựa trên nền tảng là mô hình ADDIE, tôi sẽ liệt kê ở đây để bạn có thể chủ động tìm hiểu thêm:

  • Seels & Glasgow (1990)
  • Dick & Carey (1996)
  • Smith & Ragan (2004)
  • AGILE Learning Design
  • Successive Approximation Model – SAM (2012)

Đặc điểm và nhiệm vụ của từng giai đoạn trong mô hình ADDIE

Trong bảng này, bạn sẽ tìm hiểu về các phần công việc quan trọng cần thực hiện ở từng giai đoạn trong mô hình ADDIE

Các giai đoạn Đặc điểm chi tiết
Analysis

(Phân tích)

Giai đoạn này thường được biết tới là việc phân tích nhu cầu đào tạo, sẽ bao gồm các hoạt động:

  • Định nghĩa cụ thể các kết quả mà công ty và các học viên cần đạt được
  • Xác định các thước đo đánh giá về năng lực và các nhiệm vụ sẽ được đào tạo
  • Xác định các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng
  • Làm rõ các mức độ hướng dẫn cần thiết dựa trên phân tích năng lực
  • Tạo ra một chiến lược & kế hoạch đánh giá cho chương trình đào tạo
Design

(Thiết kế)

Khởi tạo một chiến lược đào tạo, bao gồm các hoạt động:

  • Mục tiêu học tập cho từng năng lực và nhiệm vụ
  • Bài kiểm tra & bài tập để thể hiện mức độ thành thục khi thực hiện các nhiệm vụ
  • Những nội dung bắt buộc cần đào tạo
  • Cấu trúc và lộ trình các chủ đề và bài học
  • Lựa chọn các phương pháp và công cụ truyền tải nội dung đào tạo
Development

(Phát triển)

Hoạt động phát triển chương trình chi tiết sẽ bao gồm các công việc sau:

  • Phát triển tài liệu cho lớp học (slide, hình ảnh,…)
  • Phát triển tài liệu cho giảng viên/người điều phối (Kế hoạch bài giảng, hướng dẫn giảng dạy,…)
  • Phát triển tài liệu cho học viên (hướng dẫn học, infographic, công cụ hỗ trợ công việc,…)
  • Phát triển các tài liệu đánh giá (bài kiểm tra, câu hỏi,…)
Implementation

(Triển khai)

Đưa phần đào tạo vào hành động, bao gồm các việc:

  • Phối hợp với người hỗ trợ và quản lý lớp học
  • Chuẩn bị và hướng dẫn cho giảng viên/người điều phối
  • Kiểm tra lại các tài liệu (chạy thử)
  • Theo sát và hỗ trợ khoá học
Evaluation

(Đánh giá)

Giai đoạn này bao gồm:

  • Xem xét và đánh giá từng giai đoạn trong ADDIE để đảm bảo mọi thứ được hoàn thành theo đúng các yêu cầu
  • Thực hiện đánh giá tính hiệu quả cả chương trình đào tạo thông qua các bài kiểm tra, quan sát thực tế công việc, đo lượng các tác động tới tổ chức
  • Có thể sửa đổi, cải tiến và cập nhật hệ thống/chương trình đào tạo

(*) Nguồn tham khảo: Association of Talent Development  (ATD)

Ưu và nhược điểm của mô hình ADDIE

a, Ưu điểm:

  • Được sử dụng phổ biến
  • Là mô hình được chấp nhận rộng rãi
  • Đã được chứng minh tính hiệu quả cho hoạt động học tập
  • Là nền tảng cho những mô hình thiết kế đào tạo khác
  • Có tính hệ thống và bài bản

b, Nhược điểm:

  • Quy trình thiết kế theo hướng tuyến tính (trình tự) một cách chặt chẽ
  • Phải được thực hiện theo trình tự
  • Tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí
  • Chưa linh hoạt để thích ứng nhanh với các thay đổi

Với các ưu nhược điểm trên, bạn sẽ cần linh hoạt trong quá trình thiết kế chương trình đào tạo. Tuỳ vào mục đích, nhu cầu cụ thể cũng như nguồn lực, chúng ta sẽ quyết định áp dụng mô hình, phương pháp hoặc kết hợp các mô hình khác nhau để đạt hiệu quả cao nhất.

Tất nhiên, dù có làm theo cách nào thì tư duy theo mô hình ADDIE vẫn nên là nền tảng gốc rễ để chúng ta có cơ sở để thiết kế chương trình đào tạo hiệu quả.

Vậy là qua bài viết ngắn này, bạn đã được chia sẻ về tổng quan mô hình ADDIE, các công việc cần làm trong từng giai đoạn và một số ưu nhược điểm của mô hình. Hy vọng, bạn sẽ có thêm góc nhìn tham khảo thêm về mô hình này để giúp quá trình thiết kế chương trình đào tạo, thiết kế hướng dẫn giảng dạy của bạn sẽ hiệu quả hơn.

Nguồn

Đỗ Thành Công,

L&D Manager – Learning Designer,

Học viện Chiến lược nhân sự HSM