TRAIN THE TRAINER: 07 TIPS THIẾT KẾ BÀI GIẢNG POWERPOINT ĐẸP

Train the trainer (Giảng viên chuyên nghiệp) là loạt bài viết về kỹ năng giảng dạy HSM tổng hợp và Việt hóa từ những trang đào tạo uy tín trên thế giới. Mong rằng series này sẽ đem lại những kiến thức và giá trị thiết thực giúp các anh chị là cán bộ đào tạo nâng cao kỹ năng giảng dạy của mình để trở thành những “trainer” chuyên nghiệp. 

Tại sao thiết kế bài giảng lại quan trọng trong số các kỹ năng Train the trainer? 

Ngày nay, việc sử dụng công cụ PowerPoint để thiết kế bài giảng ngày càng phổ biến và thay thế dần phương pháp viết bảng hay diễn giảng  truyền thống. Một bài PowerPoint slides được thiết kế tinh gọn và đẹp mắt thường sẽ đem lại hiệu quả tiếp thu cao hơn rất nhiều cho học viên, đồng thời giảm bớt gánh nặng truyền tải cho chính giảng viên. Vậy nhưng, kỹ năng thiết kế dạy học (instructional design) lại chưa được quan tâm quá nhiều. 

Hôm nay, HSM xin giới thiệu 07 bí quyết thiết kế dạy học dễ thực hiện giúp bạn ngay lập tức nâng tầm bài giảng của mình. 

Hãy cô đọng

Khi diễn giảng về một chủ đề nào đó, đừng cố bao gồm tất cả những gì bạn muốn nói trong slide. Hãy cô đọng và chỉ bao gồm những ý chính và quan trọng nhất để gây sự chú ý từ học viên của mình. 

Hãy tưởng tượng bạn đang đứng trước một lớp học truyền thống với phấn trắng và bảng đen. Bạn sẽ không viết tất cả các ý lên bảng trước khi đề cập đến trong bài giảng, phải không nào? 

Cố gắng giữ cho nội dung chữ đơn giản, mới mẻ và dễ tiếp thu hết mức. 

Chú ý đến nhịp độ bài giảng

Hãy đảm bảo nội dung của bài giảng phải trùng khớp với những gì bạn để trên slides. Chẳng hạn như: đừng dùng thuật ngữ hay từ viết tắt trên slides trước khi bạn giới thiệu về nó với học viên. 

Đồng thời, bạn cần tìm hiểu về học viên của mình. Mỗi người đều có cách tiếp thu khác nhau. Nếu bạn là một lập trình viên, cách bạn tư duy về nội dung sẽ hoàn toàn khác với một bạn làm thiết kế chẳng hạn. 

Mục đích cuối cùng là gì? 

Đọc đến đây bạn có thể nghĩ rằng, chẳng phải mình muốn thiết kế kiểu gì cũng được sao? Đây là bài giảng của mình cơ mà? Thực ra có một câu nói rất hay của nhân vật Adam trong bộ phim nổi tiếng Jurassic Park: “Ta có thể làm được, nhưng không có nghĩa là ta nên làm điều đó.” 

Mỗi dòng chữ, mỗi hình ảnh hay hiệu ứng bạn sử dụng đều cần phục vụ một mục đích cụ thể. Nếu bạn chỉ bỏ thêm vào cho vui mắt, hãy xem xét cắt bỏ phần đó vì nó sẽ chỉ khiến bài giảng thêm rối mắt mà thôi. 

Hãy suy nghĩ về mục đích cuối cùng. Về mục đích, chỉ cần đơn giản như “màu chữ này để nổi bật và làm học viên chú ý” hay “âm thanh này để giúp học viên tỉnh ngủ” là đủ. 

Đừng lo lắng về cách khoảng trống

Khoảng trống/trắng (white space hay blank space) trong slides là điều hoàn toàn chấp nhận được. Thực ra, chúng ta nên thoải mái sử dụng khoảng trống nhiều hơn nữa. 

Bạn cần suy nghĩ từ góc nhìn của học viên. Chẳng ai muốn đọc hết một slide với quá nhiều nội dung, kể cả nội dung đó có quan trọng như thế nào chăng nữa. 

Khoảng trống còn được coi là một yếu tố trong thiết kế. Vậy nên bạn hoàn toàn có thể thiết kế một bài presentation đơn giản mà vẫn sáng tạo và bắt mắt. 

Font chữ và màu chữ

Một điều quan trọng cần nhớ là có những kiểu chữ nhìn gần trên màn hình máy tính của bạn rất đẹp và rõ ràng, nhưng thực tế lại ngược lại hoàn toàn khi phóng chiếu lên màn hình cho cả lớp học. 

Vậy nên, kiểu font chữ và màu nền background đóng vai trò rất lớn trong việc thiết kế bài giảng hiệu quả. Nếu học viên phải căng mắt để cố đọc nội dung slide, thì dù bài giảng có quan trọng và hay đến đâu, bạn cũng sẽ không giữ cho học viên tập trung được. 

Đừng bao giờ để cỡ chữ dưới 30 pt nếu bạn sẽ trình bày trước một lớp học lớn. Bạn cần đảm bảo người ngồi hàng đầu hay hàng cuối đều có thể theo dõi được bài giảng. Hãy tôn trọng tất cả học vien bằng cách sử dụng cỡ và kiểu chữ phù hợp.

Quy luật 6 gạch đầu dòng

Đừng để quá 6 mục gạch đầu dòng trên một slide. Và đừng để nhiều hơn 6 từ trên một dòng. 

Quy luật này liên quan mật thiết tới bí quyết cô đọng. Bạn không muốn phải ngồi nghe cả đoạn diễn thuyết dài mới đến được ý quan trọng, phải không nào? Vậy nên hãy cố gắng cô đọng và tập trung vào những phần quan trọng nhất, cả ở trên slides và trong bài giảng. 

Bao nhiêu slide không quan trọng 

Nhiều người nghĩ rằng nếu bài giảng có hơn 20 slides, khán giả sẽ không còn muốn theo dõi nữa, 

Điều này không đúng chút nào, trừ khi bạn để quá nhiều nội dung trên một slide. 

Cách xử lý đầu tiên của vấn đề này là đừng để hiện số slide. Học viên không cần biết bạn có bao nhiêu slide trong bài giảng đâu. 

Cách thứ hai là hãy dùng nhiều slide để trình bày một chủ đề hoặc dùng các đầu mục gạch đầu dòng. Mỗi slide chỉ diễn đạt một trong các ý bạn muốn diễn giải về chủ đề đó. Nhưng vì các slide sẽ theo cùng một kiểu mẫu thiết kế, học viên sẽ không cảm thấy như quá nhiều slide khác nhau mà chỉ là hiệu ứng hình động. Cách này sẽ cho phép bạn sử dụng nhiều hiệu ứng hơn mà không phải nhồi nhét tận cả trăm hiệu ứng trên một slide. Nhờ đó, bạn sẽ dễ sửa chữa bài giảng sau này. 

Và cuối cùng, đừng nhồi nhét hết nội dung vào một slide. Mặc dù bạn sẽ phải dàn nội dung trên nhiều slide hơn, bạn sẽ dễ dàng đi qua các nội dung đó nhanh hơn bình thường đấy. 

Bài giảng và thiết kế cần đi đôi trong các kỹ năng đào tạo cần thiết của train the trainer

Hiện nay, thiết kế dạy học cũng là một kỹ năng quan trọng trong các khóa học Train the trainer. Giảng viên giỏi thu hút học viên nhờ vào nội dung bài giảng đặc sắc. Nội dung hay nếu được đi kèm với thiết kế dạy học đẹp và khoa học sẽ nâng bài giảng của bạn lên một tầm cao mới. Hãy thử bắt đầu bằng 07 bí quyết cơ bản này trước và bạn sẽ thấy sự khác biệt. 

Để biết thêm những bí quyết thiết kế bài giảng chuyên nghiệp, hãy tham gia khóa học “Train the Trainer: Giảng viên chuyên nghiệp” của HSM và được tư vấn bởi các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Learning & Development. 

Nguồn: 

Powered Template Blog. (2019, April 27). 7 Instructional design tips for presentations. https://blog.poweredtemplate.com/7-instructional-design-tips-for-presentations/