Ứng Dụng Thuyết Tự Chủ Trong Thiết Kế Chương Trình Đào Tạo

Để có thể thiết kế chương trình đào tạo giúp tăng động lực học tập của học viên, một người giảng viên sẽ cần nắm vững một số nguyên lý cơ bản về động lực của con người cũng như các yếu tố về tâm lý học. Từ đó ứng dụng vào việc triển khai các hoạt động học tập và thiết kế các trải nghiệm phù hợp với học viên.

Trong bài viết này HSM sẽ  cung cấp thông tin tổng quan về thuyết tự chủ (Self-Determination Theory) liên quan đến động lực nội tại của mỗi con người và các ý tưởng ứng dụng nó trong việc thiết kế chương trình đào tạo hiệu quả.

1. Giới thiệu tổng quan về Thuyết tự chủ trong thiết kế chương trình đào tạo

Thuyết tự chủ (Self-Determination Theory) được phát triển và nghiên cứu bởi 2 nhà tâm lý học Edward Deci và Richard Ryan về động lực nội tại và các mong muốn bên trong của con người. Thuyết tự chủ cho rằng con người được thúc đẩy bởi 3 nhu cầu tâm lý cơ bản:

  • Tự chủ (Autonomy)

  • Năng lực (Competence)

  • Kết nối (Relatedness)

thiết kế chương trình đào tạo a, Nhu cầu Tự chủ (Autonomy)

Mọi người cần được cảm thấy bản thân có thể kiểm soát và làm chủ được các hành vi và quyết định của mình.

Nhu cầu này sẽ đạt được khi một người được lựa chọn và ra quyết định dựa trên mong muốn của mình. Nó sẽ mất đi khi bị đe doạ, bị áp đặt, bị điều khiển.

b, Nhu cầu Năng lực (Competence)

Đây là nhu cầu mà một người cảm thấy bản thân họ có năng lực khi làm được một việc nào đó hiệu quả. Khi một cá nhân cảm thấy có năng lực, họ sẽ cảm thấy làm chủ được môi trường xung quanh và cảm thấy tự tin vào khả năng của mình.

Nhu cầu này sẽ được tăng lên khi một người được tạo cơ hội với các thử thách phù hợp với khả năng, được phản hồi và ghi nhận tích cực. Còn nếu nhiệm vụ quá khó/quá dễ và được phản hồi tiêu cực, nhu cầu năng lực này sẽ bị giảm đi.

c, Nhu cầu Kết nối (Relatedness)

Kết nối là khả năng cảm thấy thân thuộc, gần gũi và được kết nối với những người khác. Nhu cầu này sẽ có được khi một người cảm thấy sự an toàn, nhận được sự quan tâm, tôn trọng và cảm thấy mình đang là một phần hoặc thuộc về một cái gì đó lớn lao hơn. Nó sẽ mất đi nếu xung quanh họ có nhiều cạnh tranh, phán xét, đánh giá và có nhiều nguyên tắc cứng nhắc, khó chịu. Điều này làm học viên ít cơ hội để tương tác và chia sẻ với mọi người xung quanh.

2. Ứng dụng thuyết tự chủ trong thiết kế chương trình đào tạo

Dưới đây là 9 gợi ý trong thiết kế chương trình đào tạo để giúp một người giảng viên/giáo viên có thể khơi gợi động lực bên trong của các học viên thông qua việc ứng dụng thuyết tự chủ.

  1. Dành thời gian và nỗ lực để hiểu rõ và hỗ trợ các nhu cầu, kỳ vọng của học viên càng nhiều càng tốt. Đây là một trong những điểm mấu chốt trong thiết kế chương trình đào tạo.

  2. Khơi gợi sự quan tâm, hứng thú về nội dung học dựa vào những động lực và nhu cầu bên trong của học viên. Thay vì dùng những kích thích bên ngoài như: “Hãy học để thi điểm cao, học để nhận phần thưởng, học để không bị phạt,…”.

  3. Khuyến khích sự tham gia chủ động từ học viên vào bài giảng thông qua các hoạt động thảo luận/làm việc theo nhóm nhỏ kèm theo các phản hồi và tương tác tích cực

  4. Khuyến khích và thúc đẩy học viên chịu trách nhiệm nhiều hơn cho việc học của mình thông qua các hoạt động tự học, tự nghiên cứu và trả lời các câu hỏi liên quan đến nội dung/chủ đề đào tạo

  5. Cung cấp các hướng dẫn/chỉ dẫn được cấu trúc hoá rõ ràng để giúp học viên dễ dàng thực hiện các nhiệm vụ chính xác và đạt được kết quả tốt nhất

  6. Cung cấp các thử thách phù hợp với năng lực và trình độ hiện tại của học viên để họ cần bỏ ra một nỗ lực vừa phải để thực hiện. Nếu thử thách quá khó hoặc quá dễ thì đều sẽ khiến học viên chán nản và không hứng thú

  7. Đưa ra những lời phản hồi và ghi nhận tích cực, mang tính xây dựng cho học viên. Việc này sẽ tạo động lực rất mạnh mẽ và tăng sự tự tin của học viên khi học tập

  8. Tạo các cơ hội lựa chọn cho học viên trong lớp học. Cho học viên có thể chủ động quyết định các hoạt động/hình thức. Đồng thời cho học viên các cơ hội thực hành/thuyết trình linh hoạt,ác ý tưởng/giải pháp khác nhau,… trong việc phát triển chương trình đào tạo

  9. Sử dụng các ngôn từ gợi mở như: “Có thể, thử xem, đề xuất,….”. Thay vì các từ ngữ kiểm soát như: “Phải, nên, bắt buộc, tuyệt đối,…”

Trên đây là phần tổng quan Thuyết tự chủ (Self-Determination Theory) về động lực con người. Nó bao gồm 3 cấu phần nền tảng:

  • Tự chủ (Autonomy)

  • Năng lực (Competence)

  • Kết nối (Relatedness)

Kèm với đó là 9 gợi ý thực tế để áp dụng Thuyết tự chủ trong thiết kế chương trình đào tạo vào việc thúc đẩy động lực học tập của học viên “từ bên trong”. Hy vọng bài viết đã mang đến một số thông tin và ý tưởng hữu ích cho anh chị trong công việc giảng dạy và thiết kế chương trình đào tạo.

Nguồn:

Đỗ Thành Công

L&D Manager – Learning Designer,

Học viện Chiến lược nhân sự HSM