WORKSHOP: “ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO CẤP ĐỘ 4” 

​​Diễn giả buổi chia sẻ là ai?

Vào sáng này 04/06/2022, HSM đã tổ chức thành công Workshop: “ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO CẤP ĐỘ 4 l”. Buổi chia sẻ diễn ra trong không khí sôi nổi, tràn đầy năng lượng với sự tham gia của 38 khách hàng thân thiết tham dự.

Diễn giả chính của buổi chia sẻ là Ông Đàm Thế Ngọc – Certified Kirkpatrick Professional, Giám đốc điều hành tại Học viện Chiến lược Nhân sự HSM


Nội dung Workshop: “Đánh giá hiệu quả đào tạo cấp độ 4”

Buổi chia sẻ kéo dài hơn 2 giờ với 4 nội dung chia sẻ hữu ích về cách thức đánh giá hiệu quả đào tạo cấp độ 4, cụ thể như sau:

1.Mô Hình Kirkpatrick Cập Nhật Nhất

Mô hình Kirkpatrick ra đời từ những năm 1950 bao gồm 4 cấp độ đánh giá kết quả đào tạo khác nhau.

Mô hình này được các chuyên gia đào tạo sử dụng trong nhiều năm sau đó để đánh giá hiệu quả các chương trình đào tạo. Mô hình được tác giả đề cập đến trong nhiều cuốn sách của mình như: Đánh giá hiệu quả chương trình đào tạo, Thực thi 4 cấp độ, Chuyển hoá học tập thành hành vi, Một góc nhìn khác về đánh giá hiệu quả đào tạo…

Năm 2009, kế thừa những tinh hoa từ mô hình Kirkpatrick. Con trai và con dâu của tiến sĩ Donald Kirkpatrick là Jim và Wendy đã có những cải tiến mang tính đột phá. Nâng cấp mô hình Kirkpatrick lên một phiên bản hoàn toàn mới được gọi tên “The New World KirkPatrick Model”

Mô hình The New World Kirkpatrick Model – Việt hoá bởi học viện chiến lược nhân sự HSM

Có 4 cấp độ đánh giá hiệu quả đào tạo theo The New World Kirkpatrick Model:

+ Cấp độ 1: Phản ứng bao gồm sự gắn kết, sự phù hợp, sự hài lòng của học viên

+ Cấp độ 2: Học tập bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ, sự tự tin, tính cam kết

+ Cấp độ 3: Hành vi bao gồm hành vi cần thay đổi cùng với cách thức để học viên áp dụng những hành vi mới

+ Cấp độ 4: Kết quả bao gồm kết quả mong muốn và các chỉ số dẫn dắt

Khi được hỏi về khó khăn trong đánh giá hiệu quả đào tạo cấp độ 4 – cấp độ kết quả, các khách mời chia sẻ: 

  • Learning and Development (L&D) chưa hiểu và chưa biết cách đánh giá hiệu quả sau đào tạo
  • Đối tượng học viên đa dạng
  • Tỷ lệ học viên có thể  áp dụng kiến thức, kỹ năng vào công việc sau đào tạo chưa cao
  • Tốn nhiều nguồn lực, công sức, thời gian, tiền bạc và chi phí cơ hội của doanh nghiệp nhưng hiệu quả sau đào tạo không cao
  • Chưa có sự thống nhất, đồng lòng của Ban Lãnh đạo
  • Học viên không nhiều thời gian vừa học vừa làm
  • Chưa có công cụ để đo lường bộ chỉ số đánh giá hiệu quả sau đào tạo

Để có thể giải quyết những khó khăn này, các phần phía sau ông Ngọc đã lần lượt đưa ra các gợi ý thiết thực và dễ ứng dụng, trong đó, có những gợi ý từ chính 2 tác giả mô hình The New Work Kirkpatrick Model.

 

2.Cách Thức Tối Ưu Để Triển Khai Các Chương Trình Đánh Giá Hiệu Quả Đào Tạo Cấp Độ 4

Sai lầm thường gặp số 1 là chúng ta dành quá nhiều nguồn lực cho các hoạt động trước và trong khoá học, mà sau khoá học thì hầu như không có hoạt động gì, chỉ hy vọng học viên thay đổi.

Theo nghiên cứu được chia sẻ trong cuốn sách về The New World Kirkpatrik Model thì 95% các nguồn lực người làm L&D đang dành cho khảo sát, thiết kế và triển khai, chỉ 5% cho các công tác sau khoá học. Điều này dẫn đến việc chuyển đổi của học viên rất thấp.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chúng ta cần phân bổ 50% nguồn lực về công sức, thời gian, ngân sách…cho các hoạt động sau chương trình thì mới có thể tạo ra chuyển hoá mạnh mẽ, gấp 5,6 lần so với phương án bên trên.

Chúng ta tổ chức ra 1 khóa học, sau đó kỳ vọng học viên thay đổi hành vi và kết quả sẽ đến. Nhưng nếu chúng ta muốn đánh giá được hiệu quả đào tạo cấp độ 4 thì cần phải làm khác đi.

“Muốn đánh giá kết quả, phải đi từ kết quả.” 

Vì vậy, muốn đánh giá hiệu quả đào tạo cấp độ 4, hãy trả lời bằng được câu hỏi:

  • Kết quả chúng ta muốn đạt được là gì?
  • Hiện tại kết quả đang ở mức nào?
  • Từ kết quả hiện tại đến kết quả mong muốn dự kiến trong bao lâu đạt được?

 

Sai lầm tiếp theo khi thiết kế chương trình đó là chúng ta muốn học viên thay đổi quá nhiều hành vi, một danh mục hành vi mới sẽ làm học viên khó khăn hơn trong việc ứng dụng.

Thay vào đó thầy Jim Kirkpatrick chia sẻ hãy tập trung vào một vài HÀNH VI CHỦ CHỐT, hành vi này tác động mạnh mẽ đến kết quả.

3.Bí Mật X10 Lần Sự Chuyển Đổi Về Hành Vi Của Học Viên Sau Chương Trình

Để học viên có sự thay đổi về hành vi sau khóa đào tạo thì giáo viên cần hiểu về 6 nguồn gây ảnh hưởng và sử dụng được ít nhất 4 nguồn gây ảnh hưởng thì học viên mới có động lực để thay đổi hành vi.

Mô hình 6 nguồn gây ảnh hưởng(Nguồn: VitalSmart)

Các nguồn gây ảnh hưởng có thể sử dụng thường xuyên bao gồm:

  • Nguồn 1: Họ có thích hành vi đó?
  • Nguồn 2: Họ có làm được hành vi đó?
  • Nguồn 3: Có ai  khích lệ họ thực hiện hành vi đó?
  • Nguồn 4: Có ai hỗ trợ họ thực hiện hành vi đó?
  • Nguồn 5: Có cơ chế, chính sách gì khuyến khích họ?
  • Nguồn 6: Có công cụ gì giúp họ thực hiện hành vi thuận lợi hơn?

Trong chương trình, ông Đàm Thế Ngọc cũng chia sẻ những case-study gần gũi, dễ hiểu để khách mời hiểu tường minh về 6 nguồn gây ảnh hưởng cũng như ứng dụng trong thực tế.

4. Giới Thiệu Giải Pháp – Mô hình Lãnh đạo chuyển đổi

Trước phần hỏi đáp, ông Đàm Thế Ngọc giới thiệu Mô hình Lãnh đạo chuyển đổi – được đúc kết từ nhiều nghiên cứu, ứng dụng uy tín trên thế giới kết hợp với những trải nghiệm của đội ngũ HSM.

Mô hình Lãnh đạo chuyển đổi – Bản quyền học viện chiến lược nhân sự HSM

Mô hình sẽ giúp chúng ta đi từ kết quả trước khi phân tích và thiết kế chương trình đào tạo. Đây là các tiếp cận giúp mỗi khối/bộ phận đều tìm được cho mình một chương trình trọng tâm trong mỗi giai đoạn.

Các thông tin về mỗi bước trong mô hình:

Mục tiêu trọng tâm:

  • Vấn đề cần giải quyết thuộc chiến lược thay đổi hành vi
  • ROE – Return on Expectations

Hành vi chủ chốt:

  • Đối tượng cần tác động
  • Hành vi nào tác động mạnh mẽ lên ROE

Chuyển hóa toàn diện:

  • Thiết lập dựa trên 6 nguồn gây ảnh hưởng
  • Cần huy động thêm những nguồn lực nào?

Thực thi xuất sắc:

  • Văn hóa làm việc hiệu suất cao
  • Thước đo cần theo dõi

Đối với các bài toán đánh giá cấp độ 4 liên quan đến kinh doanh, ông Đàm Thế Ngọc chia sẻ các Case – Study thành công nhờ ứng dụng cách tiếp cận này:

Anh Nguyễn Đăng Hiếu – Phó chủ tịch, chị Tú Anh – Trưởng phòng kinh doanh AdFlex chia sẻ đã X5 lần doanh số ngay trong tháng đầu tiên với một nhãn hàng, X3 lần số Sales ra đơn trong 3 tháng đầu áp dụng.

Chị Nguyễn Phương Mai – Giám đốc điều hành Groove Tech, Nguyên Giám đốc điều hành Navigos Search chia sẻ đã tăng 175% doanh thu và giảm 50% tỷ lệ nhân viên nghỉ việc sau khi ứng dụng các tiếp cận này.

Chị Trần Thị Ngọc Anh – Giám đốc kinh doanh khu vực, Manulife Việt Nam và Anh Nguyễn Thanh Hùng – Quản lý kinh doanh Manulife chia sẻ đã tăng gấp hơn 3 lần tỷ lệ đạt MDRT (tương ứng với hơn 3 lần doanh số).

Tổng kết

Cuối buổi Workshop: “ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO CẤP ĐỘ 4 – The new world Kirkpatrick Model”, các khách tham dự chia sẻ rằng tâm đắc với kiến thức, kỹ năng nào đã được chia sẻ trong chương trình và có thể áp dụng vào công việc đào tạo của mình như thế nào trong thời gian tới.

Chia sẻ của chị Vũ Hạnh Hoa – CEO JoyUni sau buổi Workshop:

“Bên cạnh những kiến thức, đến với buổi Workshop này tôi còn học được một số điều đó là:

Hoá ra các kiến thức này tôi đã được học từ cách đây 1 năm. Nhưng vì tôi học xong mà quá bận, quên thực hành nên tôi đã quên gần hết kiến thức. Từ sau, mỗi khi dành 2 tiếng đi học, tôi sẽ dành ít nhất 2 tiếng sau đó để ngồi lập kế hoạch áp dụng.

Bởi vì tôi hiểu rằng “hoặc là bạn dùng nó, hoặc là bạn mất nó” – kiến thức không áp dụng sẽ bị lãng quên.

Không phải là tôi không biết các kiến thức này, từ dự án đào tạo cho Giảng viên trường Đại học Đại Nam năm 2016 tôi đã áp dụng một số kiến thức để tạo ra những kết quả rất tốt (ví dụ tư vấn cho Ban Giám hiệu ngay từ đầu đã nghĩ đến việc tạo ra chính sách động lực để giáo viên sau khi học xong thì tích cực áp dụng kiến thức vào thực tế). 

Nhưng khi đó tôi áp dụng một cách bản năng, không có nền tảng lý thuyết nên sau này tôi không lặp lại một cách nhất quán trong các dự án đào tạo cho các doanh nghiệp khác. Việc đi học các lớp học (với các giảng viên uy tín) là rất quan trọng, giúp ta hệ thống hoá được các cách làm tốt để có thể thường xuyên áp dụng

Thêm vào đó, một lợi ích tuyệt vời mang buổi Workshop đã mang lại cho tôi là được kết nối với khá nhiều người trong đó có khá nhiều người đã là bạn bè Facebook  từ lâu, nay mới gặp lần đầu ở ngoài nên “tay bắt mặt mừng” rất phấn khởi. 

Tôi rất ngưỡng mộ các bạn ở team HSM. Lần nào gặp các bạn tôi cũng thấy rất vui vì học được rất nhiều kiến thức hay, và cảm thấy rất ấm áp bởi sự tận tâm, nhiệt thành mà các bạn dành cho tôi và cộng đồng.”

Chia sẻ của anh Phạm Lâm Tùng – Giám đốc phát triển đối tác của Amber Online Education sau buổi Workshop:

Qua buổi chia sẻ của anh Ngọc ngày hôm nay về mô hình Kirkpatrick đã giúp mình khai mở thêm rất nhiều điều và mình thấy rất hay ở chỗ đây không chỉ là những kiến thức chỉ có thể áp dụng trong đào tạo mà nó còn áp dụng được trong quy trình quản lý doanh nghiệp của mình.

Điều đầu tiên mình sẽ ứng dụng ngay sau buổi Workshop này sẽ là triển khai lại văn hóa đọc sách cho team bằng nhiều cách áp dụng khác nhau để nhân sự vừa cảm thấy vui, vừa cảm thấy giá trị.”

Chia sẻ của chị Đồng Kim Hiền – HRM của NewStarGroup:

“Bản thân mình làm nhân sự, điều mình trăn trở nhất chính là: Sau khi tham gia các chương trình đào tạo thì doanh nghiệp được gì, nhân sự, người lao động được gì. Và cao hơn nữa là, hiệu quả sau đào tạo đo lường như thế nào. Sau buổi Workshop ngày hôm nay, mình đã có thể trả lời được các câu hỏi đó. Cảm ơn anh Ngọc và team HSM rất nhiều.”

HSM xin trân thành cảm ơn sự tham gia sôi nổi và nhiệt tình của anh/chị. Hẹn gặp lại anh/chị trong các buổi chia sẻ và các chương trình đào tạo trong tương lai của HSM.