05 BÍ QUYẾT XÂY DỰNG KHÓA HỌC TRỰC TUYẾN HIỆU QUẢ

Xây dựng khóa học trực tuyến hiệu quả – Kỹ năng cần thiết trong thời điểm hiện nay

Trong thời điểm dịch bệnh COVID đang bùng phát trở lại, đào tạo trực tuyến đang được ưa chuộng hơn khi cả giảng viên và học viên có thể dạy và học ở bất cứ đâu và vẫn giữ được khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, việc chuyển giao nội dung giảng dạy từ lớp học truyền thống sang nền tảng online có thể khiến nhiều người lúng túng. Hôm nay, HSM xin chia sẻ 05 bí quyết xây dựng khóa học trực tuyến hiệu quả từ chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo giúp bạn nâng tầm trải nghiệm dạy và học trên nền tảng online. 

Bí quyết 01: Chuẩn bị thật kỹ càng khi xây dựng khóa học 

Hãy tưởng tượng, một vận động viên Olympic phải chuẩn bị vô cùng khắt khe trước khi tham gia vào Thế Vận Hội. Quá trình chuẩn bị bao gồm chế độ ăn uống nghiêm ngặt, luyện tập cả ngày và có giờ giấc cụ thể. Chính nhờ giai đoạn chuẩn bị kỹ lưỡng này mà các vận động viên mới có thể tiến tới vinh quang. Tương tự, những nhà đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp cũng phải chuẩn bị rất kỹ càng cho các sự kiện trực tuyến của mình. Họ không chỉ chuẩn bị về mặt nội dung mà còn phải lường trước các trục trặc có thể xảy đến. Cụ thể hơn, phần chuẩn bị có thể chia làm 3 giai đoạn: 

Chuẩn bị cơ bản

Giai đoạn đầu của việc chuẩn bị cho một khóa học trực tuyến không khác với công đoạn xây dựng một khóa học truyền thống là bao. Bạn phải nắm vững nội dung bài giảng và tiến độ lớp học. Hy vọng rằng bạn sẽ có trợ giảng cùng điều phối lớp học. Những điều phối viên cũng sẽ phải nắm vững nội dung y như bạn để có thể trợ giúp khoá học diễn ra suôn sẻ. 

Ngoài việc nắm vững nội dung, bạn cũng cần tìm hiểu học viên của mình. Sau đây là một số câu hỏi giúp bạn bước đầu làm quen với học viên: 

  • Học viên của mình là ai? Tên tuổi, chức vụ, quê quán của họ ở đâu?
  • Các học viên có quen nhau từ trước, hay đây là lần đầu họ gặp nhau? Nếu quen nhau từ trước, mối quan hệ giữa họ là gì? (Quản lý/nhân viên? Đồng nghiệp?)
  • Tại sao họ lại tham gia khóa học này? Mục tiêu sau khóa học của họ là gì? 
  • Kinh nghiệm của họ về lĩnh vực này nằm ở mức nào? Liệu nội dung khóa học sẽ là những thông tin hoàn toàn mới mẻ với họ? Hay học viên đã nắm quá rõ đề tài này rồi? 
  • Những câu hỏi có thể nảy sinh trong quá trình học là gì? Liệu học viên có gặp khó khăn gì khi theo học không?

Chuẩn bị kỹ thuật 

Bước tiếp theo trong giai đoạn chuẩn bị cho lớp học trực tuyến là mảng kỹ thuật. Những nhà đào tạo trực tuyến lành nghề thường nắm rõ các nền tảng họ giảng dạy. Họ cần biết các tính năng của phần mềm mình sử dụng, những khác biệt từ góc độ người host (chủ trì) và người tham gia. Họ cũng cần biết tất cả những công cụ của nền tảng và có thể giúp đỡ học viên sử dụng chúng. 

Vậy làm sao để sử dụng thuần thục phần mềm như vậy? Phần lớn bạn cần luyện tập. Hãy thử sử dụng tất cả các tính năng. Bạn cũng có thể thử tổ chức một sự kiện trực tuyến và truy cập bằng nhiều thiết bị để trải nghiệm từ cả vị trí host và người tham gia. Hãy thử tham gia các webinar hướng dẫn cách sử dụng nền tảng bạn chọn để lắng nghe các bí quyết và tài liệu học tập hữu ích. 

Ngoài việc tìm hiểu nền tảng phần mềm, các nhà đào tạo cũng sẽ chuẩn bị phần cứng thật cẩn thận. Họ thường trang bị dàn máy tính phù hợp với việc điều phối lớp học: cấu hình máy đủ mạnh, nhanh và bộ tai nghe-microphone không dây giúp họ vừa nói và đánh máy cùng lúc. Microphone nên hoạt động tốt để thu rõ âm. Tất cả thiết bị này sẽ được kiểm tra thường xuyên trước khi lớp học bắt đầu để đảm bảo hoạt động tốt. 

Chuẩn bị phương án dự phòng

Bước cuối cùng của công đoạn chuẩn bị là đề phòng những trục trặc có thể xảy đến. Vì lớp học trực tuyến phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ và đường truyền Internet, bạn cần có những phương án thay thế để không bị rơi vào thế bị động. 

Chẳng hạn như, nếu bạn làm việc tại nhà và đột nhiên bị ngắt đường truyền mạng, bạn cần có phương án giải quyết để lớp học được tiếp tục diễn ra. Hay như microphone của bạn tự nhiên bị hết pin? Hãy luôn có một bộ dự phòng gần đó hoặc có thiết bị phát sóng hotspot sẵn sàng nếu mất đường truyền mạng. 

  • Một số phương án tham khảo: 
    • Hãy tìm hiểu các địa chỉ có đường truyền mạng bạn có thể đến và sử dụng dễ dàng như nhà hàng xóm hay một quán cà phê vắng vẻ gần nhà. 
    • Có thiết bị phát Internet như điện thoại thông minh và gói thuê bao dữ liệu 
    • Có một điều phối viên kỹ thuật giúp bạn điều hành lớp học phòng trường hợp bạn chưa thể quay lại ngay sau trục trặc. 

Bí quyết 02: Thu hút học viên 

Một trong những thách thức của một khóa học trực tuyến chính là làm sao để thu hút học viên khi không có tương tác trực tiếp. Hãy sử dụng Webcam để kết nối với học viên của mình. Bạn có thể bật webcam trước khi bắt đầu buổi học để học viên được “gặp mặt” giảng viên và tắt camera khi bắt đầu buổi học. Nếu lớp học có nhiều hơn một giảng viên, hãy yêu cầu tất cả giảng viên bật camera nếu được để có thể tăng kết nối với học viên. 

Học viên cũng cần được tương tác thường xuyên với các hoạt động lớp học. Chúng tôi khuyến khích nên phối hợp các hoạt động tương tác mỗi 4 phút một lần. Sau đây là một số hoạt động bạn có thể tham khảo: 

Sử dụng các công cụ trong nền tảng như: 

  • Bầu chọn (poll)
  • Hộp chat 
  • Giơ tay (raise hand) 
  • Chia sẻ màn hình (screen sharing)
  • Chia sẻ tài liệu 
  • Kiểm tra 
  • Hỏi câu hỏi và yêu cầu học viên bật mic để trả lời

Gọi tên học viên

  • Hãy gọi tên học viên thường xuyên để nâng cao tinh thần tập trung của họ. Một số ví dụ đơn giản có thể kể đến là: “Cảm ơn anh A đã chia sẻ trong hộp chat. Đây là một ý kiến rất thú vị.” Hay như “Đầu buổi học, chị B đã đưa ra câu hỏi về phần này. Sau đây tôi sẽ giải đáp câu hỏi để mọi người cùng nghe.” 
  • Hãy hỏi trực tiếp từng người: “Tôi muốn mỗi người chúng ta đều chia sẻ cảm nghĩ. Hãy bắt đầu từ bạn A nhé.” 

Cùng chia sẻ mong muốn/mục tiêu 

  • Trước khi buổi học bắt đầu, hãy chia sẻ với học viên mong muốn và mục tiêu của bạn. Hãy thông báo rằng đây là một khoá học yêu cầu tính tương tác và sự tập trung cao độ. 
  • Bạn có thể làm rõ bằng cách: 
    • Cùng học viên thiết lập các quy tắc trong lớp học
    • Nói rõ với học viên về yêu cầu của bạn 
    • Đưa ra chỉ dẫn cụ thể về cách học viên có thể tham gia tương tác (giơ tay, trả lời trực tiếp, vv.) 

Sử dụng ví dụ liên quan đến lớp học và phù hợp với học viên

  • Hãy chia sẻ những ví dụ phù hợp với đối tượng học viên và chủ đề lớp học. Ví dụ, nếu lớp học có nhiều quản lý giàu kinh nghiệm, hãy chia sẻ những câu chuyện phù hợp với đối tượng khán giả này và có kiến thức nâng cao hơn là những ví dụ cho các học viên chưa nhiều kinh nghiệm. 

Bí quyết 03: Làm nhiều việc một lúc hiệu quả 

Mặc dù mỗi chúng ta có phong cách làm việc khác nhau. Nhiều người muốn tập trung từng việc một, người khác lại có thể quản lý nhiều việc cùng một lúc. Tuy nhiên, quản lý đa nhiệm (multitasking) lại là một kỹ năng cần thiết khi quản lý lớp học trực tuyến. Để xây dựng khóa học trực tuyến hiệu quả, hãy tự rèn luyện kỹ năng quản lý đa nhiệm của bạn với ba yếu tố: chuẩn bị, luyện tập và hiệu suất cao 

Chuẩn bị 

  • Những chuyên gia đào tạo online đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng (như ở bí quyết 01). Họ chuẩn bị không gian làm việc thật gọn gàng cả trên máy tính và không gian xung quanh để không bị mất tập trung. Nhờ chuẩn bị, họ cũng biết được cần làm gì ngay khi một nhiệm vụ đã hoàn thành. 

Luyện tập 

  • Để được nhiều việc cùng lúc, bạn phải luyện tập để có thể thuần thục từng việc một. Các chuyên gia đào tạo phải luyện tập sử dụng tất cả các công cụ để họ không mất thời gian lúng túng trong lúc giảng dạy. Khi bạn thuần thục các kỹ năng, bạn sẽ tự tin điều phối nhiều đầu việc cùng một lúc 

Hiệu suất cao 

  • Chính nhờ có sự chuẩn bị và thuần thục các kỹ năng, những chuyên gia đào tạo trực tuyến có hiệu suất làm việc cao. Họ không phải dành thời gian tìm thanh công cụ. Họ cũng sẽ không mất công nhìn lại các phím trên bàn phím để tìm ra nút bấm. 

Bí quyết 04: Hãy tận dụng giọng nói của bạn

Các nhà đào tạo trực tuyến luôn tận dụng giọng nói của họ để kết nối với học viên. Hãy để ý những yếu tố sau khi bạn giao tiếp và giảng dạy trên nền tảng trực tuyến: 

  • Tông giọng 
  • Độ lớn 
  • Nhịp điệu 
  • Cao độ 

Theo một nghiên cứu gần đây, tốc độ nói lý tưởng là khoảng 164 từ mỗi phút.  Độ ngắt quãng giữa từng câu là khoảng 0.48 giây. Cuối mỗi câu, bạn nên trùng giọng thay vì cao giọng lên.

Ngay cả khi nếu giọng của bạn chưa đạt được mức độ “lý tưởng” nói trên, đây là một tiêu chuẩn tốt để cố gắng thay đổi. Một cách để đánh giá giọng nói của bạn là thu âm một buổi học và tự mình nghe lại. Hãy tự nhận xét xem giọng bạn có truyền cảm hứng không? Liệu âm điệu có rõ ràng và dễ nghe? Tốc độ có nhanh quá/chậm quá không? Bạn cũng cần để ý những âm thừa như “ừm,” “à” vv. 

Bí quyết 05: Giải quyết những tình huống bất ngờ 

Những tình huống bất ngờ luôn có thể xảy ra trong một lớp học trực tuyến. Chẳng hạn như một học viên có thể mất kết nối mạng. Một hoạt động không sôi nổi như bạn nghĩ. Hay bạn có cuộc gọi bất chợt. 

Các chuyên gia thường có đủ kinh nghiệm để biết những tình huống trên có thể xảy ra. Họ sẽ giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh và quay lại lớp học nhanh nhất có thể. 

Những người có sự chuyển bị kỹ lưỡng luôn có phương án dự phòng. Vì vậy, hãy dành thời gian để dự trù các tình huống và phương án cho chúng. 

Nếu có tình huống bất ngờ xảy đến, bạn có thể làm như sau:

  • Bình tĩnh, hít thở sâu
  • Chia sẻ với học viên khó khăn bạn gặp phải 
  • Sử dụng phương án dự phòng
  • Dành một đến hai phút tìm hiểu vấn đề
  • Cho lớp học giải lao ngắn để bạn xử lý tình huống. 

Nếu bạn có trợ giảng hoặc điều phối viên, bạn có thể giao việc xử lý tình huống cho họ để mình tập trung vào lớp học. Phần lớn các tình huống bất ngờ chỉ là tạm thời và có thể dễ dàng vượt qua. 

Tổng kết về xây dựng khóa học trực tuyến: Bạn cần làm gì?

Hãy sử dụng 05 bí quyết này. Bạn sẽ từng bước xây dựng khoá học trực tuyến hiệu quả của riêng mình: 

  1. Chuẩn bị thật kỹ càng
  2. Thu hút học viên
  3. Làm nhiều việc một lúc hiệu quả 
  4. Tận dụng giọng nói của bạn
  5. Giải quyết những tình huống bất ngờ

Để biết thêm những bí quyết xây dựng khóa học trực tuyến hiệu quả, hãy tham gia khóa học Virtual Training Master đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được xây dựng bởi các chuyên gia đào tạo trực tuyến hàng đầu tại của HSM.

Việt hoá bởi Học viện Chiến lược Nhân sự HSM 

Nguồn tham khảo: 

Huggett, C. (n.d.) 5 Techniques to deliver an effective virtual class (white paper). CindyHuggett. https://www.cindyhuggett.com/wp-content/uploads/2016/08/5-TECHNIQUES-to-DELIVER.pdf